Người mua vàng lỗ tiền triệu sau hơn 1 tháng, vì đâu?

Thảo Thu

(Dân trí) - Ai mua vàng đầu tháng 8 thì hiện lỗ 2,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách vàng trong nước và quốc tế là gần 19 triệu, đặt ra câu hỏi người dân có trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng.

Người mua vàng lỗ tiền triệu

Kết thúc ngày 17/9, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 65,85-66,65 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch mua - bán ở mức 800.000 đồng. Nếu nhìn về quãng thời gian đầu tháng 8, vàng được niêm yết ở mức 67,4-68,4 triệu đồng/lượng (mua-bán). Chênh lệch giữa 2 chiều khi đó là 1 triệu đồng.

Với giá đó, nếu người dân mua vàng vào đầu tháng 8 rồi hiện bán đi, thì họ sẽ lỗ hơn 2,5 triệu đồng trên mỗi lượng vàng miếng SJC.

Nếu ai đó mua vàng nhẫn thì mức lỗ còn cao hơn. Thời điểm đầu tháng 8, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng là 52,4-53,5 triệu đồng/lượng (mua-bán). Chênh lệch 2 chiều là 1,1 triệu đồng. Với giá niêm yết 50,4-51,3 triệu đồng/lượng (mua-bán) hiện nay, người mua lỗ hơn 3 triệu đồng.

Nhưng không phải ai cũng chỉ mua một lượng và lỗ vài triệu đồng. Bởi từ xưa tới nay, vàng vẫn được xem là kênh đầu tư được gửi gắm niềm tin.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II năm nay, tương đương tăng 11%. Quý II này là quý II tăng mạnh nhất kể từ năm 2015.

Người mua vàng lỗ tiền triệu sau hơn 1 tháng, vì đâu? - 1

Sau hơn một tháng mua vàng, nhà đầu tư lỗ tiền triệu (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhu cầu trang sức tăng thời điểm quý II nhờ giá vàng trong nước sụt giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu. Công ty kinh doanh vàng nhờ đó cũng "bội thu".

Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) ghi nhận doanh thu tăng 71% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu vàng miếng tăng 76,1% so với cùng kỳ, chủ yếu vì khách xem vàng là tài sản trú ẩn trước áp lực lạm phát. Doanh thu sỉ lũy kế 7 tháng tăng 49,9% so với cùng kỳ nhờ chào bán sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thị hiếu khách. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ tăng tới 66%.

Hiện quy đổi theo tỷ giá bán USD tại Vietcombank chưa thuế phí là 23.795 đồng, vàng SJC đắt hơn vàng quốc tế gần 19 triệu đồng/lượng.

Chuyện giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới vốn đã không còn xa lạ ở Việt Nam nhiều năm qua. Thông thường, khi thị trường biến động mạnh, các doanh nghiệp vàng trong nước sẽ nới rộng chênh lệch giá mua bán vàng so với thế giới để phòng ngừa rủi ro. Hồi tháng 3, khoảng chênh giữa hai thị trường gần 20 triệu được coi là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Giá bán USD cao nhất lịch sử

Giới chuyên gia chỉ ra kim loại quý diễn biến "nóng" do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Lo ngại về đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng là yếu tố ảnh hưởng tới vàng. Dù được coi là công cụ truyền thống để phòng trừ rủi ro bất ổn kinh tế, nhưng những lý do trên khiến công cụ không trả lãi như vàng kém hấp dẫn.

Tuần vừa rồi, USD Index lập lại đỉnh 20 năm tại 109,48 điểm, sau khi Fed ra tín hiệu duy trì lãi suất cao để ghìm lạm phát. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số USD về mức 109,39 điểm.

Người mua vàng lỗ tiền triệu sau hơn 1 tháng, vì đâu? - 2

Giá USD gần chạm mốc 23.800 đồng thời điểm kết tuần (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngân hàng Nhà nước kết thúc ngày cuối tuần niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 23.283 đồng/USD, không thay đổi so với phiên liền trước nhưng vẫn cao hơn 20 đồng so với tuần trước.

Giá bán USD tại hầu hết ngân hàng thương mại kết tuần tăng mạnh. Các ngân hàng Nhà nước và tư nhân đều niêm yết giá tăng khoảng 10-20 đồng ở cả 2 chiều so với phiên liền trước. Giá USD ngân hàng liên tiếp đi lên và ở mức cao nhất lịch sử, gần chạm 23.800 đồng mỗi USD ở chiều bán.

Những biến động về vàng và USD bắt đầu sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng các công cụ kiềm chế lạm phát của cơ quan này sẽ làm kinh tế Mỹ yếu đi.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cảnh báo Việt Nam phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái khi khả năng tiền đồng có thể tiếp tục mất giá.

Ông Nghĩa đề cập câu chuyện thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên hay không tăng lãi suất. Nếu không tăng lãi suất, nhà điều hành sẽ phải tiếp tục bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.

Ông John Andre - chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì cho biết, lãi suất tăng chủ yếu để kiểm soát lạm phát. Lạm phát đã tăng cao trong thời gian ngắn, trong khi tương quan so với lạm phát thì lãi suất tăng chưa cao. "Trong tương lai gần, chưa có dấu hiệu cho thấy Fed ngừng tăng lãi suất", ông nói. 

Về việc can thiệp ra sao trong vấn đề quản lý ngoại hối, ông nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách để quản lý là mua - bán đồng tiền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm