Người lao động hạnh phúc, doanh nghiệp được gì?
Cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực không chỉ thể hiện ở đồng lương, mà còn ở việc tạo ra một môi trường làm việc “hạnh phúc” như một ngân hàng đang làm.
Bảng khảo sát của công ty nhân sự Anphabe vừa công bố cho thấy hình ảnh mới mẻ này, trong đó Ngân hàng TPCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là đại diện ngân hàng hiếm hoi lọt vào Top 5 doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc nhất năm 2016. Điều này được thể hiện ở hai yếu tố gắn kết với công ty về suy nghĩ và tình cảm.
Hai năm gần đây, số lượng các cuộc thi tài nội bộ ở ngân hàng VPBank ngày càng tăng lên, với các nội dung đa dạng, khuyến khích sự thể hiện cả về tài và sắc của nhân viên. Nổi bật nhất là các cuộc thi Sing & Dance, Miss & Mr và cuộc thi Trạng Nguyên. Bên cạnh các cuộc thi, ngân hàng còn có các câu lạc bộ nhiếp ảnh, yoga hay leo núi. Có thể nói, văn hóa của VPBank hiện nay là “lôi kéo” người lao động tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ làm.
Tất cả những hoạt động đó đều nhằm mục đích tạo ra sự gắn kết giữa các nhân viên với nhau. Hay nói một cách khác, giống như cuộc khảo sát của Anphabe đã chỉ ra, nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc ở đó. Nếu nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp có khả năng giữ được người nhiều hơn. Ngược lại, thương hiệu doanh nghiệp trở nên nổi bật, cũng sẽ giúp thu hút nhân sự nhiều hơn và dễ hơn, hẳn nhiên trong số đó không thiếu những nhân sự tài năng. Tất nhiên, trong quá trình này, doanh nghiệp không phải là bên duy nhất được lợi. Hành trang, kinh nghiệm sống và kết nối xã hội của người lao động cũng được tích lũy và tăng thêm nhanh chóng. Đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
“Tôi thực sự rất vui khi được làm tại VPBank - một môi trường làm việc cho chúng tôi các cơ hội gắn bó với nhau qua các chương trình, hoạt động nội bộ như một sân chơi chung để cùng chơi cùng gắn kết chặt chẽ các đơn vị phòng ban và tất cả các chi nhánh trên cả nước,” bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực tại VPBank, chia sẻ.
Là người chịu trách nhiệm chính phát triển nguồn nhân lực tại VPBank, bà Trúc tâm sự rằng điểm cốt lõi để ngân hàng trở thành nơi làm việc hạnh phúc là khoảng cách giữa các thế hệ trong ngân hàng gần như là không có, bởi Tổng giám đốc là một người rất năng động và cùng tham gia vào các hoạt động, đặc biệt cùng với thế hệ trẻ tại ngân hàng này.
“Tư tưởng của tổng giám đốc là luôn khuyến khích các giám đốc khối, các lãnh đạo cấp cao thường xuyên tổ chức các hoạt động và tham gia cùng với các bạn trẻ. Theo tôi, người đầu tàu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và giúp rút ngắn đi khoảng cách giữa các thế hệ".
Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở tình cảm, mà còn có cả sự gắn kết lý trí. Ở điểm này, bà Trúc chia sẻ rằng thế hệ trẻ bây giờ có một lộ trình thăng tiến rất rõ ràng, kể cả việc xác định hay xây dựng mục tiêu nghề nghiệp. Vì vậy, Khối Quản trị nguồn nhân lực của VPBank đã và đang phối hợp với từng đơn vị để xây dựng mục tiêu công việc cũng như mục tiêu sự nghiệp cho thế hệ trẻ hiện nay.
Rõ ràng, nhân sự, hay nói rộng hơn là nguồn nhân lực, là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp thành công trên thị trường. Có nhiều cách thúc đẩy động lực nhân sự như tạo động cơ trực tiếp thông qua cơ chế lương thưởng, nhưng cách tạo ra sự gắn kết thì không có mẫu số chung, mỗi doanh nghiệp có một kiểu làm riêng. Dù vậy, điểm chung cần có là bước đi lâu dài chứ không chỉ xây dựng kế hoạch cho một vài năm đầu tiên.
Khảo sát của Anphabe đã đo lường những biểu hiện hạnh phúc của người đi làm Việt Nam và quy về bốn chỉ số. Chỉ số thứ nhất là độ gắn kết lý trí để đo lường xem nhân viên có thấy tương lai của họ ở đây hay không. Thứ hai là độ gắn kết tình cảm để biết được nhân viên có yêu thích công việc, tự hào về những gì mình làm hay yêu mến đồng nghiệp hay không. Hai chỉ số cuối cùng là nỗ lực tự nguyện làm việc nhiều hơn yêu cầu và cam kết gắn bó lâu dài với công ty.
Với tất cả những chỉ số trên, số điểm trung bình mà VPBank đạt được là 90,6 trong khi số điểm trung bình của cả nước là 63,1. Kết quả trên đã đưa VPBank trở thành 1 trong 5 nơi làm việc làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc nhất tại Việt Nam. Có 89,9% nhân viên tham gia khảo sát tại VPBank cho biết họ nhìn thấy tương lai phát triển tại ngân hàng, 92,3% cảm thấy tự hào và yêu mến đồng nghiệp, 91,1% cho biết tự nguyện làm việc nhiều hơn nhiệm vụ được giao, và chỉ có 2,3% số nhân viên tham gia khảo sát tại VPBank cho biết có ý định chuyển chỗ làm mới.