“Người kinh doanh Ngân hàng không được phép mạo hiểm”

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Vũ Văn Tiền hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) và nhiều tập đoàn, công ty lớn khác.

Dưới đây là chia sẻ của ông với phóng viên báo Dân trí về quan điểm kinh doanh và quá trình phát triển thương hiệu An Bình.
 
Ông Vũ Văn Tiền hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP An Bình.
Ông Vũ Văn Tiền hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP An Bình.

 

Sau nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng, ông có chia sẻ gì về quan điểm kinh doanh ngành rất đặc biệt này, quan điểm kinh doanh xuyên suốt của ABBank là gì?

 

Ngành tài chính ngân hàng là xương sống của nền kinh tế. Những người kinh doanh ngành này cần  phải có cái nhìn tổng thể về kinh tế vĩ mô, các ngành nghề kinh doanh khác nhau và nhạy bén với mọi biến động của thị trường.

 

Nhiều người kinh doanh ở lĩnh vực khác có thể thử nghiệm những cách làm mới, Trách nhiệm của người kinh doanh ngân hàng không chỉ giới hạn trong tài sản của họ, mà còn là trách nhiệm với khách hàng, với thị trường, với xã hội. Vì vậy, người kinh doanh ngân hàng không được phép  mạo hiểm với tài sản và tiền đã được cổ đông và khách hàng giao phó .

 

Nói vậy không có nghĩa kinh doanh ngân hàng bảo thủ, máy móc. Cái tinh của người làm ngân hàng giỏi là biết chớp cơ hội, quyết đoán, biết áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến để làm mới mình, tiếp cận nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

 

Tại ABBANK, chúng tôi kinh doanh thận trọng, không mạo hiểm và bền vững. Điều này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh ổn định và vẫn đảm bảo tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế như năm 2012 vừa qua.

 

Ở cương vị lãnh đạo, ông đánh giá cao sức trẻ hay kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh?

 

Thông thường "trẻ người thì non dạ". Song theo tôi, trong kinh doanh già tuổi đời chưa hẳn đã già kinh nghiệm, mà kinh nghiệm nó nằm ở sự trải nghiệm, số đầu việc mà anh ta thực hiện và hiệu quả ra sao. Có người rất trẻ nhưng đã sớm trưởng thành, kinh qua nhiều thương vụ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Không nên tách bạch chuyện tuổi trẻ và kinh nghiệm, mà phải nhìn vào thực lực của mỗi người. Anh có khả năng, tôi tạo điều kiện cho anh được làm, được thử thách. Kinh nghiệm thì không bao giờ là đủ. Vì vậy, ở góc độ cá nhân tôi, ở tuổi nào cũng phải trí tuệ, bản lĩnh nhiệt huyết và sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh khó khăn để trưởng thành và phát triển.

 

ABBANK sắp tròn 20 năm có mặt trên thị trường tài chính ngân hàng và được “nhận diện” là một thương hiệu an bình, thân thiện. Ông có thể chia sẻ về quá trình xây dựng ABBANK suốt 20 năm qua?

 

Như đã nói ở trên, quan điểm kinh doanh của ABBANK là thận trọng, chắc chắn. Hình ảnh mà ABBANK hướng tới là một ngân hàng thân thiện, uy tín, nhân văn, có trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi luôn chia sẻ với nhân viên của mình: ABBANK là ngôi nhà An Bình, nơi khách hàng có thể gửi gắm niềm tin, cũng là ngôi nhà chung của mỗi cán bộ, nhân viên.

 

Trải qua 20 năm xây dựng, ABBANK đã định vị được hình ảnh, thương hiệu của mình trong lòng khách hàng. Việc xây dựng được uy tín thương hiệu là chặng đường dài với chiến lược cụ thể và với rất nhiều tâm huyết, không thể chỉ bằng một vài vụ việc gây thanh thế mà tạo dựng được niềm tin với khách hàng.

 

Chúng tôi xây dựng Ngân hàng trên nền tảng con người vì vậy mà mỗi nhân viên của Ngân hàng An Bình đều phải có năng lực, tri thức và tình yêu nghề, yêu mến đồng nghiệp, yêu mến Ngân hàng của mình. Mỗi cán bộ nhân viên Ngân hàng An Bình đều phải có ý thức xây dựng ngôi nhà chung, ngôi nhà An Bình của mình. Có như vậy doanh nghiệp mới tồn tại lâu dài, người lao động cũng muốn gắn bó với doanh nghiệp, ngân hàng như ngôi nhà thân thiện của mình.

 

Tôi quan điểm, kinh doanh tài chính ngân hàng cũng chính là đem tâm sức của mình để đổi lại niềm tin của khách hàng. Người làm kinh doanh vì vậy cũng phải hài hòa lợi ích của mình với lợi ích của cổ đông, của đối tác, của khách hàng.

 

Mặt khác, phải thấy rằng lợi ích của mỗi doanh nghiệp cũng là lợi ích của xã hội. Doanh nghiệp uy tín, hoạt động ổn định sẽ là cơ sở để xây dựng đất nước, nâng cao đời sống xã hội.

 

Với cương vị lãnh đạo ngân hàng, ông hoạch định chiến lược phát triển cho ABBANK năm 2013 và những năm tới đây như thế nào?

 

Năm 2013 nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, với mục tiêu phát triển bền vững, năm 2013 ABBANK sẽ tiếp tục hoàn thiện tái cấu trúc hệ thống, ổn định và vận hành theo cơ cấu mới, sẵn sàng cho chiến lược phát triển dài hạn đến  2020. Trong đó, phấn đấu đưa ABBANK trở thành một trong 10 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, mang lại giá trị thặng dư cho cổ đông, khách hàng và CBNV.

Chúng tôi xác định: mục tiêu chính của ABBANK trong năm 2013 là nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo kinh doanh an toàn - hiệu quả ;  tuân thủ các quy định  của NHNN và áp dụng các thông lệ quốc tế. Chúng tôi sẽ thực hiện những quyết sách mang tính chiến lược, với trọng tâm vào việc củng cố hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tín dụng, quản lý rủi ro. Ban kiểm soát sẽ tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác giám sát, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định.

 

H.Vũ