Người “kéo” dự án 1 tỉ USD về Việt Nam

Đầu tháng 11/2006, Tập đoàn Intel công bố mở rộng dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TPHCM với số vốn lên 1 tỉ USD (tháng 2/2006 là 605 triệu USD).

Đây là sự kiện có tiếng vang đối với giới đầu tư nước ngoài và được Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM đánh giá là “con dấu đảm bảo bằng vàng” xác nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư có đẳng cấp của thế giới.

Đối với nước ta, đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Còn đối với ông Thân Trọng Phúc ước nguyện làm một việc lớn có ích cho Tổ quốc đã thành hiện thực!

Nhận thấy niềm vui, hạnh phúc thể hiện trên gương mặt ông Phúc trước sự kiện trọng đại này tôi muốn trò chuyện, chia sẻ và tìm hiểu, nhưng công việc tất bật, dồn dập lúc nào cũng cuốn lấy ông nên các cuộc hẹn cứ đành phải lùi lại, lùi lại…

Ngay đến khi những ngày cuối cùng của năm 2006 trôi qua cũng vẫn chưa thực hiện được, cuối cùng tôi đành chấp nhận phương án trò chuyện với ông Phúc qua điện thoại – một cuộc trò chuyện xuyên qua hơn 1.700 cây số, nối hai đầu Hà Nội - TPHCM.

Ở đầu dây phía TPHCM, giọng nói tiếng Việt của ông Phúc vẫn còn chưa chuẩn lắm dù đã sống và làm việc liên tục ở Việt Nam 6 năm (năm 2000 ông Phúc về Việt Nam để đảm nhận chức Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương mà Tập đoàn Intel đã tin tưởng giao phó).

Ông Phúc kể lại, ngay từ khi trở về Tổ quốc, ông đã có ước vọng phải làm một việc gì đó giúp thay đổi bộ mặt CNTT của Việt Nam và theo ngày tháng, ước vọng đó luôn đau đáu trong lòng. Rồi không biết từ lúc nào ông đã trở thành cầu nối giữa Tập đoàn Intel và Chính phủ Việt Nam.

Năm 1997, Intel chính thức có mặt tại Việt Nam cũng là thời điểm công cuộc đổi mới của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, chính sách, pháp luật của Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng cởi mở hơn và môi trường đầu tư cũng dần được cải thiện thuận lợi và hấp dẫn hơn. Đây là những nguyên do, hấp lực để Intel nhắm vào Việt Nam.

Mặt khác, những yếu tố như lượng dân số trẻ của Việt Nam đông với trên 20 triệu người ở độ tuổi đang đi học và họ được hưởng một nền giáo dục cơ bản, rất năng động và luôn ham thích khoa học công nghệ…

Ông Phúc cho biết, Việt Nam là một thị trường CNTT đầy tiềm năng mà Intel lựa chọn và xâm nhập thành công; Việt Nam cũng là thị trường có chi phí rất cạnh tranh so với các quốc gia khác; Chính phủ Việt Nam lại rất quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ và có những chính sách, chiến lược và cam kết đưa CNTT lên hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế (so với quốc gia khác đây là điểm mạnh của Việt Nam mà Intel cảm nhận được).

Hơn nữa Việt Nam có nguồn nhân lực rất dồi dào. Vì những lẽ đó, nên ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, Intel đã tập trung cho chiến lược phát triển thị trường với 4 mũi nhọn phù hợp với chính sách phát triển CNTT của Chính phủ Việt Nam như: nâng cao, mở rộng phổ biến ứng dụng CNTT; xây dựng công nghiệp; xây dựng hạ tầng cơ sở CNTT và hỗ trợ giáo dục CNTT.

Về nhiệm sở tiếp nhận công việc từ người tiền nhiệm, ngay lập tức ông Phúc đã tiếp tục thực hiện chiến lược này ở mức cao hơn, sâu rộng hơn. Hàng loạt các chương trình như đưa tin học về cộng đồng tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các vùng sâu vùng xa; đưa các chương trình tiếp cận CNTT với các giải pháp phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý sản xuất kinh doanh (đã làm với ngành du lịch, dệt may…).

Intel Việt Nam cũng đã phối hợp với Phòng TM&CN Việt Nam triển khai thực hiện Đề án 191 và xây dựng Trung tâm tư vấn, hỗ trợ DN ứng dụng CNTT tại TPHCM để trưng bày những giải pháp CNTT, tư vấn miễn phí, hàng tuần tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, nhằm nâng cao nhận thức và phương thức tiếp cận với CNTT cho DN.

Ngoài ra, Intel Việt Nam đã ký kết nhiều bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ với Bộ Bưu chính Viễn thông hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện Đề án 112. Đặc biệt là với Bộ Y tế trong hỗ trợ đào tạo sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân trên toàn quốc và hỗ trợ ngành giáo dục trong việc nâng cao ứng dụng CNTT với các chương trình như Intel Teach to the Future – Dạy học cho tương lai (giúp giáo viên ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy) từ 2004 đến nay đã đào tạo được hơn 6.000 giáo viên.

Chương trình Intel Teach (là một phần trong sáng kiến giáo dục của Intel Innovation in education), mới đây Intel đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh để triển khai chương trình này; Chương trình Intel World Ahead – nhằm nâng cao cuộc sống của người dân thông qua việc đẩy mạnh khả năng tiếp cận công nghệ… - đó là đầu vào của ngành CNTT Việt Nam.

Việc chú trọng giáo dục đào tạo về CNTT là hướng đi tích cực giúp lực lượng lao động trẻ Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường và hội nhập thuận lợi hơn với cộng đồng quốc tế.

Như con ong cần cù, chăm chỉ, trong suốt 6 năm qua, bằng những nỗ lực của mình ông Phúc đã cùng Intel đưa những công nghệ mới góp phần phát triển Internet ở Việt Nam như Wifi (công nghệ không dây) và Wimax (công nghệ không dây băng thông rộng).

Năm 2002, Intel là công ty đầu tiên đưa Wifi vào Việt Nam, phối hợp với VNPT xây dựng thí điểm tại các trường đại học điểm truy cập Wifi, đến nay tại nhiều quán cà phê, cơ quan tổ chức ở các thành phố, thị trấn đều có Wifi.

Năm 2006, Intel Việt Nam tiếp tục phối hợp với các công ty Việt Nam như VNPT, VDC và USAID xây dựng thử nghiệm trạm Wimax đầu tiên ở Lào Cai, từ nay khoảng cách địa lý giữa miền núi và miền xuôi đã được rút ngắn lại, việc liên lạc trở nên thuận tiện, hữu ích hơn.

Làm đại diện cho một tập đoàn CNTT lớn, tầm cỡ quốc tế với những dự án đầu tư qui mô lớn ngay trên đất mẹ, ông Phúc luôn trăn trở làm thế nào để các nhà lãnh đạo Tập đoàn Intel chú ý nhiều hơn đến Việt Nam và bắt tay được với Chính phủ Việt Nam!

Muốn làm được cũng không dễ dàng gì mặc dù có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhưng còn nhân hòa thì cần phải tính sao cho ổn thỏa để hai bên có thể ngồi lại cùng bàn việc phát triển CNTT ở Việt Nam sao cho hiệu quả.

Sự khác biệt về văn hóa, tư duy là khoảng cách quá lớn, phải làm gì đây để tìm ra sự tương đồng giữa văn hóa Đông và Tây, tìm được tiếng nói chung giữa hai cách suy nghĩ khác nhau -Intel suy nghĩ theo kiểu doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam suy nghĩ theo kiểu Chính phủ xã hội chủ nghĩa. Đây là khó khăn, trở lại lớn nhất, cần phải vượt qua.

Không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là hai bên cần phải hiểu nhau, ông Phúc đã tìm ra được lời giải. Để hướng sự ý chú của các nhà lãnh đạo Intel về Việt Nam, ông luôn tìm cách nêu vấn đề, thu thập những thông tin dữ liệu của Việt Nam trình với các nhà lãnh đạo để họ thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và rất hấp dẫn, con người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở và luôn sẵn lòng đón nhận những cái mới, tiến bộ; đặc biệt Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài cùng Việt Nam phát triển ngành CNTT.

Trong các năm 2003- 2005, liên tiếp có các cuộc viếng thăm Việt Nam của các vị Chủ tịch tập đoàn – ngài Craig Barrett và ngài Paul Otellini đã hoàn toàn “bị” thuyết phục bởi thực tế tại Việt Nam đã chứng minh cho những nỗ lực của ông Phúc.

Các nhà lãnh đạo cao cấp của Intel đã rất “choáng” trước sự ham thích đến say mê nhiệt tình của giới trẻ Việt Nam đối với CNTT tại hai cuộc gặp gỡ, nói chuyện giao lưu trực tiếp với hàng ngàn sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2003) của ông Craig Barrett và với khoảng 4.000 sinh viên các trường đại học tại hội trường Quần Ngựa của ông Paul Otellini trong không khí nóng bức nhất mùa hè năm 2005. Thật hiệu quả khi “trăm nghe không bằng một thấy”!

Ông Phúc cũng tìm đủ cách để các nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Việt Nam nhận thấy Tập đoàn Intel là “chơi” được, và họ đang rất quan tâm và muốn có những đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Sau bao nỗ lực, năm 2002 ông Phúc đã "kéo" được hai bên gặp gỡ để mở đầu “câu chuyện cho dự án đầu tư 1 tỉ USD" được thực hiện trong năm 2006.

Trong các chuyến sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2002 và Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2004 đều có các cuộc hội đàm với các vị lãnh đạo cao cấp của Intel.

Ông Phúc nhớ lại, năm 2004 khi Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ và phó Thủ tướng Vũ Khoan đã sang trước đó mấy ngày gặp các vị lãnh đạo Intel, để gọi và bàn về dự án đầu tư của Intel vào Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hải - khi còn trên cương vị Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã bay suốt đêm cùng phái đoàn Việt Nam sang Hoa kỳ để kịp dự buổi làm việc này, điều đó đã khiến ông chủ tịch Tập đoàn Intel vô cùng cảm động.

Đây là yếu tố tác động tích cực khiến Intel quyết định đưa dự án đầu tư Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip vào Việt Nam. Một khó khăn khác nữa mà ông Phúc phải vượt qua để "kéo" dự án 1 tỉ USD về cho Việt Nam - đó là phải cạnh tranh thắng lợi với các giám đốc của Intel tại những thị trường khác.

Ban đầu thấy Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam với tổng trị giá 605 triệu USD, nhiều người cho là đã là thắng lợi. Nhưng khi biết theo kế hoạch của Intel trong năm 2006 sẽ đầu tư ra nước ngoài khoảng 6 tỉ USD và Intel có ý định bổ sung vốn cho các dự án đã được công bố, một lần nữa ông Phúc lại “ra tay” để dự án này được đầu tư với vốn tròn trịa là 1 tỉ USD.

Tập đoàn Intel chính thức công bố bổ sung tăng vốn đầu tư xây dựng Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Việt Nam lên 1 tỉ USD vào ngày 10/11/2006, chỉ trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC có một tuần đã góp phần tạo làn sóng lớn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Thật vậy, ngay khi diễn ra hội nghị APEC, nhiều hãng, tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới và Hoa Kỳ đã tuyên bố đầu tư những dự án lớn vào Việt Nam theo gương của Intel...

Một năm mới đã đến, đất nước đang vào xuân. Tết Đinh Hợi này chắn chắn sẽ càng ý nghĩa hơn với ông Phúc; bởi tâm nguyện của ông với đất mẹ đã hoàn thành. Năm 2007 cũng vừa tròn 10 năm chứng kiến sự hiện diện của Intel tại Việt Nam - một quãng thời gian có nhiều điều đáng nhớ, đáng trân trọng, nhất là đối với cuộc đời ông Phúc.

Theo Kim Hiền
Báo Thương mại