Hà Nội

Người Hà Nội cuối cùng kiếm sống bằng nghề "khắc bút tặng phẩm"

(Dân trí) - Từ năm 21 tuổi ông Quý bắt đầu sự nghiệp khắc bút của mình, tài khắc của ông đẹp và tinh xảo đến độ khiến các cửa hàng khắc bút thời đó đều bị mất hết khách.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Tại sao Nokia dời dây chuyền từ Trung Quốc sang Việt Nam?
* Người dân lo lắng khi Bệnh viện Dầu khí Dung Quất ngừng hoạt động
* Hết phạt thương mại, EU “đánh” tiếp đồng rúp của Nga
* Trên 14,6 triệu giao dịch đã được thực hiện qua POS

Đã từ lâu dưới gốc cây đa già cỗi gần Hồ Gươm luôn xuất hiện một ông lão tóc bạc trắng, hiền lành, phúc hậu, năm nay đã gần 80 tuổi hành nghề khắc bút tặng phẩm. Ông là Lê Văn Quý, sinh năm 1936 tại Phúc Tân, Hà Nội, là người khắc bút cuối cùng còn sót lại của đất Tràng An xưa.

Chỗ ông Quý ngồi khắc bút là bên dưới gốc đa đã tồn tại từ rất lâu đời bên cạnh đền Bà Kiệu, mà theo truyền miệng của những người dân Hà Nội xưa thì nó có từ thế kỷ thứ VII. Hơn 40 năm nay, sáng nào ông Quý cũng dậy từ 5h, đi tập thể dục sau đó dắt chiếc xe đạp cũ kĩ đèo hộp đồ nghề cùng chiếc ghế đôn để bắt đầu công việc khắc chữ của mình.

Ông Quý ngồi hành nghề khắc bút bên Hồ Gươm

Ông Quý ngồi hành nghề khắc bút bên Hồ Gươm

Nói về cơ duyên đến với thứ nghề trần gian có một này, ông lão kể rằng, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc học hành dang dở không đến nơi đến chốn vì còn phải phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Thế nhưng, từ bé ông Quý đã có niềm đam mê với những hình vẽ, đường nét, màu sắc, những lúc rảnh thường ngồi lấy giấy ra vẽ hoặc nhặt mẩu than, hòn gạch vẽ đầy ra mặt đường để làm trò giải trí.

“Xuất phát từ niềm đam mê đó, một lần tình cờ bắt gặp một cây bút có khắc tên cùng với hình bông hoa hồng rất đẹp của bạn mình, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng làm nghề khắc bút để làm kế mưu sinh đồng thời để thỏa mãn sở thích được vẽ lên những đường nét mà mình ao ước bấy lâu”, ông Quý chia sẻ.

Hộp đồ nghề đơn sơ của người thợ khắc bút

Hộp đồ nghề đơn sơ của người thợ khắc bút


Thời gian đầu làm nghề khắc bút, ông Quý gặp nhiều khó khăn vì nét vẽ còn thô, cứng, khắc lâu tay mỏi, đau nhức, phải nghỉ cho giãn gân cốt mới khắc được tiếp. Phải mất hơn 2 tháng chăm chỉ tập khắc, những nét vẽ thô ráp mới trở nên bay bướm, mềm mại theo ý mình.

Từ năm 21 tuổi ông Quý bắt đầu sự nghiệp khắc bút của mình, tài khắc của ông đẹp và tinh xảo đến độ khiến các cửa hàng khắc bút thời đó đều bị mất hết khách. Bởi thay vì khắc bằng máy giá vừa đắt nét vẽ lại không được mềm, khách hàng tìm đến người “nghệ sĩ khắc bút” dưới gốc đa để có được những chiếc bút khắc ưng ý.

Đã có thời các cửa hàng khắc bút bằng máy mất hết khách vì tài khắc tinh xảo bằng tay của ông Quý

Đã có thời các cửa hàng khắc bút bằng máy mất hết khách vì tài khắc tinh xảo bằng tay của ông Quý

Ông Quý tâm sự: “Cách đây nửa thế kỷ, chiếc bút máy là vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội nên nghề khắc bút ở Hà thành còn thịnh hành và việc khắc chữ lên bút là sở thích của nhiều người. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, người ta thậm chí còn chế ra những chiếc máy khắc bút và nhiều cửa hàng khắc bút bằng máy mọc lên ở phố Hàng Bông, Hàng Gai... như một nghề trong phố cổ Hà Nội".

Thời ấy, thấy bút khắc bằng tay vừa rẻ, giá chỉ 2 hào, khách hàng lần lượt đổ xô sang cửa hàng của ông Quý. "Lúc bấy giờ, một bát phở giá 3 hào, khắc bút đã 2 hào rồi nên cuộc sống cũng tạm đủ. Bình thường chỉ 2 phút là xong, những hình vẽ cầu kỳ mất nhiều nhất 5 - 10 phút. Những chiếc bút khắc cả chữ cả hình, giá là 5 hào", ông Quý kể lại.

Khách hàng của ông chủ yếu là những thanh niên sắp lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, họ được phường, quận tặng khăn mặt, kem đánh răng, quyển sổ, chiếc bút làm quà. Nhiều trường hợp hy sinh, khi gia đình bốc mộ, mọi kỷ vật đã mục nát duy chỉ còn chiếc bút máy với nét khắc trên vỏ vẫn còn nguyên.

Rất nhiều khách tây du lịch Hà Nội đã ghé qua chỗ ông Quý để nhờ khắc bút làm kỉ niệm. Nhiều du khách muốn lưu lại hình ảnh ba miền của Việt Nam lên bút, ông Quý nghĩ ra cách chọn biểu tượng của từng vùng rồi ghép lại.

Đến bây giờ, nghề khắc bút của ông Quý đã không còn nhiều khách, nhưng người thợ già vẫn duy trì “cửa hàng khắc bút” như một thú vui. Mỗi hình khắc của ông Quý có giá 20.000 đồng nhưng có ngày ông chẳng kiếm được đồng nào. Hôm may mắn, ông chỉ đủ tiền ăn và tập thể hình. “Làm khắc bút vì vui và đam mê thôi chứ chẳng bao giờ giàu được cả, đủ ăn là may lắm rồi, tôi vẫn sẽ ngồi khắc bút ở đây cho tới lúc nào ốm yếu không thể làm được nữa”, người thợ khắc bút cuối cùng nói.

Lê Tú
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước