Người đi tìm vốn cho đất nước

Sáng 28/10/2005, tờ Finance Asia chạy một dòng chữ đậm: "Việt Nam đã thực hiện được đợt phát hành trái phiếu của một nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong nhiều năm qua". Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm nhớ lại: “Thời khắc lịch sử ấy, trong cảm nhận của tôi, không khác gì một cuộc giải phóng miền Nam lần thứ hai”.

Câu chuyện lãi suất

Những người quan tâm đến việc Việt Nam phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đều nhắc đến "câu chuyện 10 năm...": Đó là lãi suất. Một bài toán dường như không thể đưa ra trước nghiệm đúng cứ được đặt đi đặt lại trong mọi cuộc họp bàn, kể từ khi ý tưởng phát hành trái phiếu quốc tế được "khơi mào" (1994). Là người trong cuộc, bà có cảm thấy lúng túng?

Cả áp lực nữa. Thật không dễ để giải thích cho mọi người (cả các chuyên gia, các nhà lãnh đạo...) thấy ngay được rằng, lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất mà chúng ta cần nhắm đến.

Thông thường khi nói đến đi vay, người ta chỉ quan tâm đến việc vay rẻ nhất với mức lãi suất phải trả thấp nhất. Mấy giả định thường được đưa ra để phản biện là: Tại sao ta không vay ODA với lãi suất thấp? Tại sao không huy động vốn trong nước với lãi suất thấp hơn mà không phải trả phí? Tại sao không tìm cách đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)...?

Nhưng hình ảnh Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế ra sao và liệu Việt Nam có còn tiếp tục lo được vốn cho mình khi nền kinh tế cất cánh hay không thì lại không ai tìm cách trả lời.

Và bà đã trả lời những câu hỏi "tại sao" ấy trong suốt 10 năm qua như thế nào?

ODA lãi suất ưu đãi thật, nhưng lại kèm theo nhiều điều kiện: Nhập khẩu thiết bị, nhà thầu... kèm theo các điều kiện về mở cửa và cải cách chính sách kinh tế. Vả lại, vay ODA là nợ ngân sách. Thực tế cho thấy, đã có nhiều dự án được cấp vốn ODA rồi thực hiện không tốt, không có khả năng trả nợ và ngân sách cuối cùng lại phải âm thầm... xoá!

Muốn thu hút được vốn FDI, Chính phủ cũng phải thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư: Giảm thuế, miễn thuế, giảm thu tiền sử dụng đất..., nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với các nước khu vực...

Vả lại, những nguồn vay này là có hạn. ODA sẽ giảm dần và hết hẳn khi kinh tế Việt Nam tốt lên. Còn phát hành trái phiếu để vay vốn trong nước cũng không khác gì ra sông đánh cá: Loanh quanh đánh mãi cũng cạn, giật chỗ này, vá chỗ kia.

Xét từ lợi ích quốc gia, ngay từ đầu Bộ Tài chính đã nhận định rằng cần "dong buồm ra khơi", nhanh chóng tìm nhiều nguồn tài trợ mới để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển mạnh của nền kinh tế, thay vì chờ đến khi cạn nguồn mới lo xoay thì e rằng đã muộn.

Việc lựa chọn và đưa những dự án tầm cỡ ra vay vốn trên thị trường thế giới cũng là cách để cộng đồng tài chính thế giới làm quen với tên tuổi của Việt Nam, giúp Việt Nam có được mức xếp hạng tín dụng tốt và thuận lợi cho việc tiếp tục vay vốn sau này. Đây là một bước đột phá có tính chiến lược.

Mức lãi suất cuối cùng được xác định sau đấu thầu tại thị trường New York là 7,125%, thấp hơn mức dự kiến ban đầu (7,5%) mà Chính phủ đã phê duyệt. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đó là mức lãi suất không rẻ?!

Khi chúng tôi về nước, có người đã hỏi vì sao khối lượng đặt mua kỷ lục (4,5 tỷ USD), trong khi Việt Nam chỉ phát hành 750 triệu USD mà ta lại không ép giá? Tôi đã trả lời ngay rằng, lãi suất do thị trường quyết định, vì thế, nếu giá cả không hợp lý thì ngay cả 4,5 tỷ USD mà các nhà đầu tư đã đặt mua cũng sẽ bị rút ngay lập tức.

Trong khi đang định giá trái phiếu Việt Nam, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhanh do Tổng thống Mỹ tuyên bố bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang mới nên lãi suất trái phiếu Việt Nam thấp hơn dự kiến là một thành công lớn. Rất mừng là đến bây giờ, lãi suất này còn thấp hơn lãi vay trong nước.

Từ khi phát hành, trái phiếu Việt Nam liên tục được giao dịch tại thị trường thứ cấp với mức tăng từ 5-10 điểm, khẳng định việc định giá trái phiếu chính phủ Việt Nam là hợp lý và đang được các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin tưởng.

Những đêm không ngủ

Một tuần trước khi trái phiếu Việt Nam được định giá, bà đã dẫn đầu đoàn Việt Nam đi tiếp thị trái phiếu tại các thị trường chứng khoán lớn: Hồng Công, Singapore, Luân Đôn, New York... Hầu như một mình lo trả lời mọi chất vấn của các nhà đầu tư. Có khi nào bà cảm thấy bị áp lực?

Cái tên Việt Nam hầu như còn rất mới với các nhà đầu tư quốc tế. Vì thế, khi giới thiệu về trái phiếu Việt Nam, các nhà đầu tư thường hỏi rất nhiều và hóc, không chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế, mà cả các chính sách phát triển, mở cửa, chính trị, xã hội, nhân quyền... vì thế, là người đối thoại, làm sao để vừa thoả mãn được yêu cầu thông tin cho các nhà đầu tư, lại vừa không... chệch hướng không dễ.

Cả đoàn hầu như không có thời gian để ngủ suốt tuần (trừ lúc trên máy bay). Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là thị trường đang ở thời điểm dao động, lãi suất lên xuống thất thường. Nếu không may đúng thời điểm đó, báo chí trong nước đưa tin công ty nào phá sản, có vụ nào tham nhũng... thì khả năng thành công của đợt phát hành sẽ rất mong manh vì các nhà đầu tư khá nhạy cảm.

Nhưng cũng mừng vì trái phiếu Việt Nam đã được các nhà đầu tư quốc tế rất chào đón. Đó là cơ hội quý giá mà nếu Việt Nam chậm chân bỏ lỡ sẽ rất uổng. Chủ tịch một quỹ đầu tư ở Luân Đôn đã gặp riêng tôi để ngỏ lời muốn mua cả 750 triệu USD mà Việt Nam phát hành lần này.

Báo chí quốc tế nhận định, điều khiến các nhà đầu tư quyết định mua trái phiếu Việt Nam chính là thành công của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường. Mạng Bloomberg chạy tít đậm: "Hãy đón nhận tin về Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt các báo từ nay đến tháng 6/2006, khi Việt Nam có thể trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới". Kể từ sau giải phóng miền Nam 1975, chưa có sự kiện nào của Việt Nam được giới truyền thông quốc tế đề cập nhiều đến như vậy. Cảm xúc của bà thế nào trước thành công ấy?

Tôi đã bật khóc khi những tiếng vỗ tay rầm rập vang lên trên thị trường chứng khoán New York - thời điểm định giá trái phiếu Việt Nam thành công. Dường như bao nhiêu hồi hộp, âu lo, sung sướng... dồn cả vào giây phút ấy. Anh em trong đoàn đều có chung một cảm giác sung sướng ngập tràn. Mọi người nói với nhau rằng, như được sống lại thời khắc khi được tin miền Nam giải phóng...

Còn bây giờ, bà đã hết âu lo?

Chưa đâu. Nếu trong 10 năm tới, trái phiếu Việt Nam vẫn tiếp tục được giao dịch tốt, mới có nghĩa là mình đã thành công.

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm