Người chăn nuôi thua lỗ, thịt “ngoại” lấn lướt
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước lâm vào khốn khó như hiện nay khi liên tục nhiều tháng qua, người chăn nuôi miền Bắc chịu giá bán xuống thấp, trong khi giá đầu vào ngày càng tăng.
Nhiều tháng qua, trang trại nuôi lợn lớn nhất nhì huyện Thanh Oai (Hà Nội) với quy mô hơn 4.000 con lợn của anh Nguyễn Trọng Long liên tục lỗ. “Từ tháng 3.2012 đến nay, chúng tôi chỉ lãi đúng hai tháng dịp cận Tết Nguyên đán, còn lại chịu lỗ, lỗ từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tạ lợn hơi, tùy thời điểm” – anh Long cho biết. Duy trì hơn 400 con lợn nái từ trước đến nay, song đã có thời điểm lợn hơi bán tại trại chỉ ở mức 38.000đ/kg.
Hiện giá bán lợn đã nhích lên 41.000đ/kg, song theo anh Long giá bán trên vẫn lỗ. Chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư hàng chục tỉ đồng, anh Long không thể đùng một cái bỏ ngang như các hộ nuôi nhỏ lẻ của huyện. Khoảng 20% số hộ chăn nuôi của huyện này đã “treo” chuồng. Anh Long rầu rĩ: “Đã đến lúc chúng tôi phải giảm đàn vì không cầm cự được. Người chăn nuôi đã mang hết vốn liếng mình có để duy trì nhưng không thể đủ, chúng tôi đã kiệt quệ rồi!”.
Ngoài Thanh Oai, ở những vùng chăn nuôi lớn của Hà Nội như Sơn Tây, Chương Mỹ, người chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Anh Chiến – nông dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây - cho hay: “Nhiều cái khó cộng lại vào cùng một thời điểm khiến chúng tôi không xoay xở kịp, trong đó có chất lượng lợn giống không đảm bảo. Giá thức ăn chăn nuôi (TACN), giá điện, giá nhân công chỉ có tăng thôi chứ chưa bao giờ giảm.
Vay vốn thì các khoản vay cũ vẫn phải chịu mức lãi suất 13,5%/năm do chưa thể hoàn vốn từ các năm trước”. Theo một số hộ chăn nuôi khác, mặc dù đã được tiếp cận ưu đãi với mức lãi suất cho vay mới là 9 – 10%/năm, song do chưa hoàn đủ các món nợ cũ nên tài sản thế chấp cũng không còn gì để tiếp cận với vốn vay mới. Thua lỗ kéo dài từ năm trước đã khiến người chăn nuôi kiệt quệ, không cách nào khác là phải chịu lỗ cầm cự hoặc phải “treo” chuồng, tìm công việc khác.
Thịt “ngoại” lấn lướt
Khó khăn đủ bề, nay người nuôi phải chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ thịt nhập khẩu giá rẻ. Lượng thịt nhập khẩu vào VN ngày càng tăng. Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT tính riêng hai tháng 4 và tháng 5.2013, cả nước đã nhập hàng nghìn tấn thịt gà và hàng trăm tấn thịt lợn từ nước ngoài, khiến ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Sản phẩm nhập khẩu gồm gà nguyên con đông lạnh, chân, cánh, đùi gà và nội tạng lợn, bò... Đây là những sản phẩm ít được sử dụng ở nhiều nước nên nhập vào nước ta với giá rẻ hơn rất nhiều, khiến thịt trong nước đã khó tiêu thụ lại càng ế ẩm hơn. Trong khi đó, giá TACN liên tục tăng nhanh với mức tăng trung bình 1.500đ/kg từ đầu năm đến nay.
Để giảm bớt khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi đề nghị hạn chế việc nhập khẩu thịt ngoại để giảm áp lực thị trường trong nước. Cùng với đó là hỗ trợ nhiều hộ nông dân các thủ tục hành chính để tham gia vào hệ thống cung cấp thực phẩm theo chuỗi đến tận tay người tiêu dùng, giảm thiểu khâu trung gian và các chi phí khác.
Về lâu dài, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, cục sẽ phối hợp các đơn vị liên quan siết chặt việc cung ứng giống đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung tìm biện pháp để giảm chi phí TACN, kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm và tập huấn các quy trình công nghệ mới, xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng năng suất chăn nuôi.
Theo Dương Hà