Ngọc bích Myanmar “chảy máu” sang Trung Quốc
Mặc dù có trữ lượng lớn ngọc bích nhưng chính quyền và người dân Myanmar ít được hưởng lợi. Thay vào đó, loại đá quý này âm thầm được vận chuyển qua biên giới tới Trung Quốc.
Ngọc bích “chảy” sang Trung Quốc
Suốt đêm, anh Tin Tun miệt mài đào bới mong tìm những cục ngọc bích to bằng lòng bàn tay với hy vọng đổi đời, như đã từng xảy ra trước đó. “Năm ngoái, tôi tìm thấy cục ngọc bích trị giá 50 triệu kyat”, anh Tun kể về lần tìm kiếm tại khu mỏ ngọc bích ở Hpakant, tây bắc Myanmar. Khoản tiền đó tương đương 50.000USD, đủ giúp người đàn ông 38 tuổi này mua một mảnh đất và xây nhà. Nhưng những người như anh Tin Tun kiếm được cục ngọc bích to như vậy là rất hiếm khi khu mỏ này đang bị khai thác trên quy mô công nghiệp.
Hpakant nằm ở bang Kachin, một vùng đất hiểm trở, 2 bên giáp Trung Quốc và Ấn Độ. Không có nơi nào trên thế giới tập trung ngọc bích nhiều và chất lượng như ở đây. Con đường đến Hpakant có nhiều ổ gà nhưng những chiếc ô tô vẫn lồng lên. Vào mùa mưa, có thể phải mất 9 giờ để đi hết quãng đường dài 110km từ Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, tới Hpakant. Dân thường Myanmar không được phép vào đây, nhưng những chiếc taxi vẫn thường đưa các thương nhân Trung Quốc tới với mức chi phí rất cao mà một phần trong số đó được dùng để hối lộ các trạm kiểm soát.
Nhiều người Trung Quốc tin rằng, đeo trang sức ngọc bích mang lại điềm lành, sự thịnh vượng và trường thọ. Nó cũng được xem như một khoản đầu tư, và đây là nhân tố chính thúc đẩy Trung Quốc tận thu ngọc bích Myanmar. Ngọc bích không chỉ có giá trị cao mà còn dễ dàng vận chuyển. “Chỉ những cục ngọc bích không thể che giấu mới được đưa tới các chợ đá quý”, Tin Soe, 53 tuổi, một người buôn bán ngọc bích ở Hpakant nói, ám chỉ các buổi bán đấu giá chính thức được tổ chức tại Thủ đô Naypyitaw của Myanmar. Phần còn lại bị đưa lên xe tải và vận chuyển qua biên giới Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài không được phép khai thác ngọc bích ở Myanmar nhưng ngành khai mỏ cần rất nhiều vốn, do vậy, hầu hết trong số khoảng 20 mỏ khai thác ngọc bích ở Hpakant được cho là đang thuộc quyền sở hữu của các công ty Trung Quốc hoặc đại diện của họ.
Thất thu hàng tỷ USD
Gần một nửa lượng ngọc bích của Myanmar được bán qua đường “không chính thức” sang Trung Quốc và chỉ bị đánh thuế rất ít hoặc không, khiến nước này thất thu hàng tỷ USD.
Myanmar khai thác hơn 43.000 tấn ngọc bích trong năm tài khóa 2011-2012. Nếu chỉ được bán với mức giá 100 USD/kg thì lượng ngọc bích này cũng mang về 4,3 tỷ USD. Nhưng số liệu doanh thu chính thức từ xuất khẩu ngọc bích chỉ là 34 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc không báo cáo công khai sản lượng ngọc bích nhập khẩu từ Myanmar, vì ngọc bích được tính gộp vào đá và kim loại quý, với tổng trị giá 293 triệu USD năm 2012 – một con số quá nhỏ so với khoản tiền thất thu mà Myanmar công bố.
Sự lãng phí tài nguyên này cho thấy Myanmar phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác lậu tài nguyên vốn chỉ làm giàu cho các cá nhân hay những nhóm có thế lực. Từ khi thực hiện chính sách cải cách sâu rộng, Myanmar đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, sự thịnh vượng của Myanmar có lẽ phụ thuộc việc tăng nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên.
Theo Tuấn Anh
ANTĐ