Substance Rehabilitation:

Nghiện mua sắm có tác hại khủng khiếp như nghiện chất kích thích

Trúc Ly

(Dân trí) - Việc mua sắm quá sức đang dần được công nhận là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Làm sao để biết bạn nghiện mua sắm?

Theo Substance Rehabilitation - cơ quan phục hồi các chứng nghiện, phối hợp với những cơ sở cai nghiện hàng đầu châu Âu - chứng nghiện mua sắm và chi tiêu có sức tàn phá khủng khiếp như chứng nghiện các chất gây nghiện khác.

Đơn vị này khẳng định chứng nghiện mua sắm còn được gọi là chứng rối loạn mua sắm cưỡng bức, được mô tả là sự thôi thúc quá mức phải tiêu tiền, bất kể nhu cầu của bạn có cần hay không hay khả năng tài chính của bạn đang ở mức nào.

Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của Substance Rehabilitation, việc mua sắm quá sức đang dần được công nhận là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. 

Nghiện mua sắm có tác hại khủng khiếp như nghiện chất kích thích - 1

Chứng nghiện mua sắm ngày càng trở nên phổ biến (Minh họa: Pinterest).

Dấu hiệu cho thấy bạn đã nghiện mua sắm

Nếu bạn có những dấu hiệu dưới đây, chứng tỏ bạn đang có vấn đề không mấy tích cực với việc mua sắm:

- Chi tiêu nhiều hơn mức có thể

- Khi tức giận hoặc buồn chán, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là đi mua sắm

- Mỗi khi cảm thấy tội lỗi vì mình đã mua sắm quá nhiều, bạn lại tìm đến... mua sắm

- Phần lớn thời gian trong ngày của bạn dành cho việc mua sắm

- Bạn không thể tập trung làm việc khác và chỉ nghĩ đến mua sắm

- Bạn luôn nghĩ đến mua sắm ngay cả khi đó là thời gian phải làm những việc quan trọng hơn

- Việc mua sắm quá nhiều gây tổn hại đến mối quan hệ của bạn và những người xung quanh

- Khả năng tài chính suy giảm

- Mua sắm bí mật, giấu giếm hành vi mua sắm khi bị người khác ngăn cản

Mua sắm trực tuyến làm gia tăng tình trạng nghiện mua sắm

Ngoài những hành vi mua sắm mất kiểm soát, Substance Rehabilitation đưa ra khái niệm về chứng "mua sắm bốc đồng". "Mua sắm bốc đồng" được hiểu là mong muốn đột ngột mua một thứ gì đó mà bạn vừa nhìn thấy trên kệ hoặc trên trực tuyến, ngay cả khi ban đầu bạn không có khái niệm gì về sản phẩm đó. 

Khi mua hàng một cách cưỡng ép, có thể bạn không mấy hứng thú với sản phẩm nhưng lại cảm thấy rất cần được giải tỏa căng thẳng tâm lý thông qua hành động mua hàng. Bạn cũng có thể thấy mình bận tâm đến việc mua sắm.

Từ khi có mua sắm online, việc mua sắm bốc đồng trở nên dễ dàng hơn. Theo một nghiên cứu của Statista - Cổng thống kê dữ liệu thị trường, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu thị trường ở Anh - năm 2019, 82% người mua sắm ở Anh đã thực hiện mua hàng trực tuyến. Tới năm 2020, con số này tăng lên 87%.

Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao kể từ sau đại dịch Covid-19. Vì mua sắm trực tuyến phát triển, chứng rối loạn mua sắm cưỡng bức cũng từ đó phát triển theo một cách không ai mong muốn. 

Nghiện mua sắm có tác hại khủng khiếp như nghiện chất kích thích - 2

Nghiện mua sắm gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn (Minh họa: Pinterest).

Chứng nghiện mua sắm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, làm tăng thêm khoản nợ và ăn mòn thu nhập của bạn. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống gia đình bạn, bạn có thể buộc phải bán tài sản như nhà cửa, xe cộ khi số dư thẻ tín dụng quá cao. 

Việc mua sắm cưỡng bức cũng có thể ảnh hưởng đến công việc của bạn, đặc biệt khi bạn quá bận tâm đến việc mua sắm, dành quá nhiều thời gian làm việc để mua sắm trực tuyến.

Tệ hơn, chứng nghiện mua sắm trực tuyến có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng hôn nhân nếu bạn là người đã có gia đình. Vì vậy, hãy cân đối lại cách chi tiêu và thành thật trả lời cho chính mình rằng liệu bản thân có phải người nghiện mua sắm hay không.