1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghiên cứu phương án giảm thuế để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp

Hà Phong

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa chủ trì phiên họp hội đồng để đánh giá các diễn biến và đề ra các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề hơn… trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Do đó, việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ những tháng cuối năm cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghiên cứu phương án giảm thuế để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ những tháng cuối năm cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (Ảnh VGP/Quang Thương).

Các bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác (như chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư…) để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tăng trưởng tín dụng cần hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước còn là khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cần được đẩy mạnh. Thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình ngân hàng số, chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Nghiên cứu phương án giảm thuế để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp - 2

Giá xăng liên tục tăng cao, ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề sản xuất liên quan (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định. Bộ này cũng nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…; bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất… để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước. Bộ này cũng được giao điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả.