Nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Mở lại chuyến bay quốc tế đến Việt Nam nhưng phải kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.

Thông tin trên được ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết trong cuộc hội thảo khoa học quốc gia Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam, hôm nay (26/11), tại Hà Nội.

 Hai "kịch bản" phát triển hàng không

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo, đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.

Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam - 1

Các hãng hàng không chịu thiệt hại nặng nề vì dịch Covid-19

Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo, hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V. Dự kiến, thị trường hàng không phải mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019.

"Cục Hàng không đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh." - ông Hảo thông tin.

Cần phải nói thêm rằng, dù Việt Nam đã "mở cửa" bầu trời từ ngày 15/5, nhưng đến nay hoạt động bay chở khách thương mại quốc tế mới chỉ được thiết lập trên đường hàng không Việt Nam - Hàn Quốc với 2 chuyến bay chở khách về Việt Nam kể từ cuối tháng 9. Các hãng chỉ được chở khách từ Việt Nam đi quốc tế và không chở khách từ nước ngoài về nước.

Việt Nam đã có văn bản gửi tới nhà chức trách hàng không một số quốc gia và vùng lãnh thổ để chính thức đề xuất lịch bay, phía bạn đồng ý, nhưng do Việt Nam chưa có quy trình hướng dẫn cách ly nên các nước vẫn còn băn khoăn. Trong khi đó, việc phòng chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam và các nước rất khác nhau. 

Hồi đầu tháng 10, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Trên cơ sở góp ý của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.

Hãng bay cần "phao" cứu sinh

Tại hội thảo ông Nguyễn Tiến Hoàn - Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines - cho hay: Dịch Covid-19 khiến doanh thu năm 2020 của hãng ước tính giảm hơn một nửa so với 2019, lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỷ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 15.000 tỷ đồng. 

Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Vietjet - cho hay: Vietjet vận hành 75 tàu bay và thuê hoàn toàn. Đại dịch Covid-19 khiến Vietjet lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.

Theo bà Phương nêu vấn đề quan trọng nhất của Vietjet hiện nay cần tăng được dòng tiền thanh khoản. Vietjet đã cố gắng hết sức kể cả những giải pháp trả lương phi công theo giờ, giảm 70-80% lương lãnh đạo nhưng với nợ cao trên 10.000 tỷ đồng, Vietjet cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Về phía Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải cho biết: Dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch Covid-19 khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm.

Đại diện Bamboo Airlways kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng bằng hình thức cho vay tái cấp vốn. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản.

Nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam - 2

Tại hội thảo, các hãng và đơn vị khai thác hàng không kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn

Tại hội thảo, các hãng hàng không đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không như giảm 50% phí cất hạ cánh, giảm giá dịch vụ điều hành bay nội địa, giảm thuế môi trường giá xăng từ 3.000 đồng/lít xuống 900 đồng/lít đến hết năm 2021, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, phụ tùng vật tư thiết bị...

Tuy nhiên, ông Trịnh Như Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - cho biết việc giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết năm 2020 khiến doanh thu, lợi nhuận của công ty này giảm sâu. Nếu tiếp tục giảm giá 50% với hai dịch vụ trên thì công ty sẽ giảm 300 tỷ đồng doanh thu và mất cân đối thu chi.

Để đảm bảo hoạt động bay và bảo toàn vốn nhà nước, ông Long cho rằng không tiếp tục giảm giá điều hành bay trong bối cảnh VATM vừa bị giảm 60% doanh thu do giảm sản lượng khai thác vừa bị các hãng hàng không nợ tiền.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định: Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa kinh tế-chính trị.

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế- xã hội trong ngành hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng để vượt qua những khó khăn, những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Thời gian qua Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không, đã có những đã có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định ngành hàng không Việt Nam sắp tới vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Trên thị trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều đối thủ có tiềm năng to lớn hơn, có kinh nghiệm hơn và nhiều lợi thế.