Nghịch lý trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng
Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại những năm trước thường bắt đầu tăng cao từ nửa cuối năm. Bước sang năm nay, diễn biến lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại có những động thái khác thường, thể hiện trên một số mặt.
Lãi suất vào đầu năm nay, kể cả sau Tết âm lịch, không những không giảm mà còn tăng lên (khác với mọi năm thường có một lượng tiền lớn tạm thời nhàn rỗi được gửi vào ngân hàng thương mại, làm cho cung cao hơn cầu, kéo theo lãi suất huy động của ngân hàng thương mại giảm xuống). Mức lãi suất huy động tính theo kỳ hạn năm đã vượt qua mức 9%/năm, có ngân hàng đã vượt 9,5%/năm.
Lãi suất huy động không phải tăng lên một lần, mà còn tăng lên mấy lần trong vòng mấy tháng. Lãi suất tăng lên bắt đầu từ ngân hàng ngoài quốc doanh, sau đó đến ngân hàng quốc doanh, rồi lại đến ngân hàng ngoài quốc doanh - một cuộc rượt đuổi gần như không ngừng nghỉ.
Không những tăng lên về lãi suất, các ngân hàng thương mại còn đua nhau đưa ra các chiêu khuyến mãi khá hấp dẫn, từ thưởng vàng, ô tô, du lịch nước ngoài, lãi suất phụ thêm nếu gửi số tiền lớn...
Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng cao làm xuất hiện hai nghịch lý trên lĩnh vực tiền tệ - tín dụng.
Thứ nhất, lãi suất huy động tăng cao, làm cho tốc độ tăng dư nợ vốn huy động so với cuối năm trước cao gấp đôi tốc độ tăng dư nợ tín dụng cho vay (30% so với 15%). Trong tình hình trên, nếu các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng sẽ bị lỗ, thậm chí sẽ không an toàn, bởi ngân hàng thương mại đi vay để cho vay, còn vốn tự có chỉ có trên dưới 4%, thấp xa so với tỷ lệ chuẩn 8%!
Nếu ngân hàng tăng lãi suất cho vay thì các doanh nghiệp không chịu đựng nổi, bởi các doanh nghiệp có tới 80% vốn huy động là đi vay ngân hàng, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp chỉ vào khoảng 7%/năm, thấp hơn cả lãi suất đi vay của ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất tăng lại càng làm cho các nhà sản xuất, kinh doanh bất lợi khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới sẽ phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu và phải mở rộng cửa hơn, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, cho các tập đoàn đa quốc gia, cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cạnh tranh khốc liệt hơn, trong khi chi phí vay vốn tăng sẽ làm cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khó khăn hơn, thậm chí còn bị lấn chiếm thị phần ngay tại sân nhà!
Thứ hai, lãi suất huy động vốn tăng trong khi các thị trường khác có những biến động lớn. Giá vàng lúc tăng, lúc giảm, nhưng hiện đã ở mức 1.275.000 đồng/chỉ, tăng tới 28,5% so với cuối năm trước.
Chỉ số chứng khoán VN- Index hiện cũng đang ở mức trên 500 điểm, tăng tới 65% so với phiên giao dịch đầu năm. Giá tiêu dùng 6 tháng tăng 4%, thấp hơn tốc độ tăng 5,2% của cùng kỳ năm trước và khả năng cả năm sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (dưới 8%, thấp hơn tốc độ tăng 8,4% của năm 2005 và thấp hơn tốc độ tăng 9,5% của năm 2004).
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại thuộc các loại hình kinh tế có sự cạnh tranh với nhau trong việc huy động, sợ rằng nếu không tăng lãi suất huy động thì tiền gửi của ngân hàng mình sẽ "chạy" sang ngân hàng có lãi suất huy động vốn cao hơn.
Có nguyên nhân do Mỹ tăng lãi suất lên 5,25%, đã kéo lãi suất huy động USD ở trong nước lên (hiện đã đạt gần 5%). Khi lãi suất huy động ngoại tệ tăng thì lãi suất huy động nội tệ cũng phải tăng lên để giữ chênh lệch lãi suất huy động nội tệ với ngoại tệ (khoảng 4%/năm), tránh hiện tượng người gửi tiền rút tiền đồng mua USD gửi tiết kiệm.
Có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại đã dự đoán được yêu cầu về vốn từ nay đến cuối năm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên đến 8,6% trong 6 tháng cuối năm, bởi 6 tháng đầu năm mới đạt 7,4%...
Theo Ngọc Minh
Báo Thanh niên