1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý thị trường gạo ĐBSCL: Gạo ngoại tràn ngập!

Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, vậy mà vào những ngày này, các chợ, trung tâm thương mại ĐBSCL đang tràn ngập gạo Thái Lan. Vì sao xuất hiện nghịch lý này?

Làm gạo nội địa chỉ để quảng bá!

Trung tâm Thương mại Cái Khế (Cần Thơ) có gần 10 điểm bán gạo. Chị Tư Huệ, một người bán gạo tại đây cho biết: bình quân, một tuần bán 600-700kg, nếu vào cao điểm có thể bán ra 1 tấn gạo. Đây là đầu ra khá lý tưởng đối với các DN sản xuất gạo ở Cần Thơ, góp phần tiêu thụ nhanh và mạnh lượng gạo tại chỗ.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp đầu tư đóng gói bao bì gạo để bán ở thị trường nội địa lại ngao ngán nói: “Nếu làm gạo xuất khẩu, chúng tôi chịu thuế suất 0%, còn nếu làm gạo bán ở nội địa phải chịu 5% thuế VAT (?). Đây là một bất lợi mà chúng tôi khó có thể cạnh tranh với các kênh phân phối tư nhân, vì họ không chịu khoản thuế VAT này”.

Năm 2005, Nông trường Cờ Đỏ xuất khẩu 60.000 tấn gạo, đứng thứ 15 của các DN xuất khẩu gạo Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nông trường Cờ Đỏ, cho biết: Mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2006 của nông trường là 80.000 tấn. Chủ yếu xuất khẩu các loại gạo thơm như ST1, VD20, Jasmine. Đây cũng là những loại gạo được người dân các đô thị lớn ở ĐBSCL và TPHCM ưa chuộng.

Song, khi đề cập đến thị trường nội điạ, ông Nguyễn Bá Cường thừa nhận: “Gạo đóng gói bao bì bán ở thị trường nội địa chỉ mang tính chất quảng bá thương hiệu, chứ bán ra thị trường rất khó”. Vì thế, nhiều DN ở ĐBSCL đang kinh doanh bằng cách đi “một chân” - chỉ tập trung xuất khẩu gạo.

Bao giờ hết “sính” gạo Thái?

Hiện giá các loại gạo do DN Việt Nam đóng gói bao bì bán ở thị trường nội địa khá cao. Tại Co.opMart Cần Thơ, giá các loại gạo Kim Kê có giá 44.000-61.500 đồng/gói 5 kg (tương đương 9.000-10.000 đồng/kg). Trong khi đó, một số loại gạo Thái Lan, bán “thúng” giá chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, thông qua con đường tiểu ngạch, gạo Thái Lan đang gia tăng số lượng ở thị trường nội địa. Có DN nhận định: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gạo Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam chính là khoản thuế 5% VAT đánh vào các DN Việt Nam, làm họ mất sức cạnh tranh.

Một xu hướng đáng lo ngại là tâm lý “sính” gạo Thái Lan của một bộ phận người Việt Nam đang gia tăng. Tâm lý này thậm chí đã len lỏi vào DN. Một số DN Việt Nam khi tung các sản phẩm gạo đóng gói bao bì vẫn kèm theo chữ “Gạo Thái” dù đây là gạo được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, các tiểu thương bán theo lô sạp có lợi thế rất lớn. Tại Cần Thơ, các tiểu thương dạng này chỉ bị đánh thuế khoán 200.000-500.000 đồng/tháng. Họ mua gạo 4.000 đồng/kg, sau đó chỉ cần bán 4.100-4.200 đồng/kg là có lời.

Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực sông Hậu, với giá bán 4.200 đồng/kg, gạo chỉ trả đủ giá thuế mà chưa tính nhiều khoản chi phí khác… Do đó, các DN rất khó cạnh tranh với các tiểu thương.

Song, ông Lê Minh Trượng tự tin khẳng định: Công ty sẽ đeo đuổi mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Mục tiêu của công ty là đi vững bằng “hai chân”: vừa xuất khẩu, vừa bán gạo ở thị trường nội địa.

Công ty đang tập trung cho khâu tiếp thị với nhiều cơ chế thoáng để xâm nhập các bếp ăn tập thể ở bệnh viện, trường học, công ty có đông công nhân… Đây cũng là một hướng đi đúng với thị trường đầy tiềm năng - khoảng 20 triệu dân ở ĐBSCL.

Trong tương lai, nếu bỏ hoặc hạ mức thuế VAT đối với các DN thì việc mở rộng thị trường sẽ được tạo lợi thế rất lớn. Trên thực tế, gạo đóng gói của các DN Việt Nam vẫn có một lượng khách hàng nhất định vì chất lượng ngon và ổn định.

Theo Cao Hoàng Phong
Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm