1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý thị trường chứng khoán

Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ nhà đầu tư bị mất nhiều cơ hội đến như vậy.

Hàng ngày vẫn có hàng nghìn nhà đầu tư đến sàn chứng khoán với bộ mặt âu sầu nhìn cổ phiếu tăng giá mà không sao bán được. Trong khi đó, trên thị trường lượng chào bán vô cùng ít còn lượng đặt mua lại tăng cực nóng. Điều tưởng như nghịch lý này lại đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với việc tăng giá mạnh của các cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua đã khiến cho chỉ số VN-Index tăng với tốc độ phi mã. Trong vòng 13 phiên gần như tăng liên tiếp (từ ngày 1/12 đến ngày 20/12), VN-Index tăng thêm 178 điểm. Các cổ phiếu đã niêm yết và giao dịch ngày đầu tiên đều đạt mức giá cao ngoài sự mong đợi.

 

Không chỉ là thứ “hàng nóng” khi chào sàn TPHCM mà ngay từ thời điểm còn giao dịch trên thị trường tự do, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ (FPT) đã là một mặt hàng được giới đầu tư săn lùng dữ dội. Ngày đầu tiên lên sàn TPHCM (13/12/2006), giá khớp lệnh của FPT đã đạt mức 400.000 đồng/cổ phiếu.

 

Mức giá này nằm ngoài sự mong muốn và kỳ vọng của nhiều cổ đông của FPT. Liên tiếp 5 phiên sau đó giá FPT tăng trần với mức tăng 5%/phiên và đạt giá 510.000 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 20/12/2006. Thế nhưng, không phải ai cũng thực hiện được ước mơ của mình là bán FPT tại mức giá không thể tốt hơn này, mặc dù họ đã cố gắng và khẩn trương làm thủ tục lưu ký đúng thời hạn.

 

Một cổ đông (xin giấu tên) của FPT là một trong số những trường hợp như vậy. Anh mua gần 20.000 cổ phiếu FPT với giá 190.000 đồng/cổ phiếu từ cách đây một tháng khi cổ phiếu này chưa niêm yết. Với mong muốn khi cổ phiếu này chào sàn, anh sẽ bán đi để đầu tư vào các cổ phiếu khác.

 

Tuy nhiên, anh đã lưu ký tại một công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) từ trước hôm FPT lên sàn nhưng sau một tuần chầu chực và chờ đợi, số cổ phiếu FPT của anh vẫn chưa về tài khoản và kế hoạch bán cổ phiếu xem như thất bại.

 

Đến ngày 20/12/2006, sự lo lắng ngày càng tăng thêm khi mà giá cổ phiếu FPT đã có chiều hướng giảm mạnh. Trong hai ngày 21 và 22/12, giá FPT giảm sàn và có hàng trăm cổ phiếu nằm chờ bán. Mỗi ngày, một cổ phiếu FPT sụt giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, với số lượng đang nắm giữ, anh đã mất tiêu hơn 400 triệu. Càng nghĩ càng thấy xót xa.

 

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư không kịp ngày chào sàn là do lỗi của bên tổ chức phát hành, bởi theo thủ tục, sổ chứng nhận sở hữu cổ phần của nhà đầu tư khi mang đến lưu ký tại công ty sẽ phải chuyển ngược lại về đơn vị sẽ niêm yết để đơn vị này xác nhận. Sau đó mới chuyển lên trung tâm lưu ký. Việc làm chậm lưu thông một khối lượng cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận cho một số nhà đầu cơ chứng khoán.

 

“Mẹo” găm giữ chứng khoán này còn được coi là cao hơn việc “làm giá” và thao túng giá cổ phiếu.

 

Theo Hoàng Xuân

Vneconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm