Nghịch lý lượng kỹ sư đông, Việt Nam không làm nổi ốc vít
Một nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm.
Theo đó, Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm.
Trong số 10 quốc gia này, đứng đầu danh sách năm nay là Nga với số lượng kỹ sư tốt nghiệp lên tới 454.436 người. Vị trí tiếp theo thuộc về Mỹ với 237.826 người, còn Iran xếp thứ 3 với 233.695 người.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á có 2 đại diện trên bảng xếp hạng là Việt Nam (vị trí thứ 10) và Indonesia chiếm vị trí số 5 với 140.169 kỹ sư.
Không chỉ ghi tên vào 'bảng vàng' về số lượng kỹ sư, Việt Nam cũng là quốc gia có lượng tiến sĩ khá đông đảo.
Với 24.300 tiến sĩ là con số không nhỏ. Và nói như một nhà khoa học thì nếu tính từ hàm thứ trưởng trở lên thì người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Đây quả là điều đáng mừng nhưng khi mới đây câu chuyện Việt Nam lắc đầu với cơ hội mà Samsung đưa lại cũng có nhiều điều phải suy nghĩ.
Cụ thể khi Samsung đầu tư vào Việt Nam đã đưa ra đầu bài với 170 linh kiện, trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... nhưng câu trả lời của các DN là: chưa làm được.
Do không làm nổi ốc vít, Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội "nhặt vàng" |
Thông tin này được xác nhận bởi ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương.
Theo đó ông Hoài cho biết: "Khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...".
Vấn đề này từng được các đại biểu Quốc hội làm 'nóng' diễn đàn từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
Khi đó câu chuyện các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ Việt Nam không đáp ứng nổi đơn đặt hàng là sạc pin, ốc vít từ Samsung một lần nữa được các đại biểu dẫn chứng khi nói về sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đào tạo mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ mà tại sao không sản xuất nổi con ốc vít, vậy làm sao tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc.
Trung tướng Bế Xuân Trường cũng lo ngại tình trạng “mất tự chủ” của nền kinh tế khi thiếu đi linh hồn là về khoa học công nghệ.
“Hiện mới có mỗi khu công nghệ cao của TP.HCM tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, còn lại hầu như không có”, ông Trường nói.
Và cho đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm: "Bộ Công thương chịu trách nhiệm về vấn đề này" khi các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm văn bản dự thảo lần thứ 6 hỗ trợ ngành CN phụ trợ chưa được thông qua. "Hiện nay Bộ cũng chưa tìm ra được cách hỗ trợ cho DN cũng như công cụ hỗ trợ hiệu quả".
"Cá nhân tôi, tôi nhận trách nhiệm và cảm thấy mình còn một món nợ về việc ngành công nghiệp hỗ trợ chưa có nhiều chuyển biến, cũng như thiếu các chính sách thúc đẩy phát triển tích cực", ông Hoàng nói.