Doanh nghiệp Việt yếu về công nghiệp phụ trợ

(Dân trí) - Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã bị “sốc” khi đến thăm một số doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu hoạt động tại Việt Nam hồi cuối tháng 2 và được biết Việt Nam vẫn phải nhập nhiều loại phụ tùng, linh kiện từ Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ ba do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Liên đoàn Các nhà kinh tế vùng Kansai (KANKEIREN) đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 3/3. Diễn đàn thu hút khoảng 350 doanh nghiệp 2 nước tham dự.
 
Chưa bao giờ các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đề cập nhiều và quyết liệt về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam như trong diễn đàn này. Bởi công nghiệp phụ trợ được xem là yêu cầu then chốt để Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.
 
Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết ông đã bị “sốc” khi đến thăm một số doanh Nhật Bản tiêu biểu hoạt động tại Việt Nam hồi cuối tháng 2 và được biết Việt Nam vẫn phải nhập rất nhiều loại phụ tùng, linh kiện từ Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.
 
“Các doanh nghiệp sản xuất rượu của Nhật Bản tại Việt Nam đang phải nhập khẩu đến cả vỏ chai, vì ở Việt Nam chưa có nhà sản xuất thủy tinh nào có thể sản xuất và cung ứng vỏ chai rượu đáp ứng được tiêu chuẩn mà nhà sản xuất rượu mong muốn.
 
Tôi xin được khuyến cáo với các cơ quan bộ ngành có liên quan về ngành công nghiệp phụ trợ rằng: Vận mệnh của ngành công nghiệp Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước”, vị đại sứ nhấn mạnh.
 
Ông Kyoshino Ichikawa, cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đưa ra nhận xét, rất ít doanh nghiệp Việt Nam hiểu về công nghiệp phụ trợ.
 
Cuộc khảo sát của ông với 40 doanh nghiệp khi đến thăm Việt Nam vào năm 1992 cho thấy hầu hết chưa có khái niệm về công nghiệp phụ trợ và đến năm 2000, một khảo sát khác với trên 70 doanh nghiệp vẫn cho kết quả tương tự.
 
“Rất ít đơn vị phía Bắc quan tâm, một số doanh nghiệp tư nhân phía Nam đã tham gia sản xuất linh kiện ô tô. Việt Nam có thể trở thành một "cứ điểm" để phát triển công nghiệp phụ trợ và việc này cần được nâng lên thành một chiến lược quốc gia. Chất lượng của ngành công nghiệp phụ trợ có thể đã tốt, nhưng cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng hàng đầu", ông Ichikawa nói.
 
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận, điểm yếu của Việt Nam vẫn là công nghiệp phụ trợ, dù chúng ta đã có quy hoạch tổng thể về ngành này.
 
Trên thực tế, công nghiệp phụ trợ là một "vùng trũng" của kinh tế Việt Nam, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế cao một phần do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
 
Các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt như thép, ô tô, chế tác… đã có mặt ở Việt Nam, song công nghiệp phụ trợ chưa phát triển làm hạn chế khả năng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.
 
Do đó, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cần có sự chung sức của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
 
An Hạ