1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghịch lý: Giá giảm vẫn ham xuất khẩu!

(Dân trí) - Điều nghịch lý tồn tại trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm đó là trong khi mặt bằng giá các mặt hàng như cà phê, chè các loại tăng thì lượng xuất khẩu lại giảm và ngược lại, giá dầu thô, cao su giảm mạnh thì lượng xuất khẩu tăng vọt.

Mặc dù giá xuất khẩu dầu thô bình quân giảm 50,5% thì lượng xuất khẩu lại tăng 12%
Mặc dù giá xuất khẩu dầu thô bình quân giảm 50,5% thì lượng xuất khẩu lại tăng 12%

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Bê bối trong trợ giá gạo ở Thái Lan: Kẽ hở cho tham nhũng

* Lao động trong hội nhập: Thừa số lượng, thiếu chất lượng

* Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu

* Dệt may, da giày “bội thu” đơn hàng, thị trường sữa sôi động

* Hết thời làm sang: Cao ốc đất vàng nội đô hạ giá

* Nghịch lý: Giá giảm vẫn ham xuất khẩu!

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng 3 và tăng 6,6% so với tháng 4 năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng 3 và tăng 12,9% so với tháng 4/2014.
 
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 3,8 tỷ USD). Trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 15 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) lại ở mức gần 35,1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 70%, tăng 12,6%. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 33,8 tỷ USD tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm mạnh 8,3% so với cùng kỳ (tương đương giảm 582 triệu USD), còn 6,4 tỷ USD, chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm do yếu tố mùa vụ như thủy sản (15%), cà phê (38,3%), gạo (5%).
 
Do ảnh hưởng của biến động giá dầu thế giới nên kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng sụt giảm tới 46,7% so với cùng kỳ, ước đạt 1,6 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, than đá giảm 65,8%, dầu thô giảm 44,5%, xăng dầu các loại giảm 57,7%.
 
Điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trong kỳ là nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch đạt gần 39 tỷ USD, chiếm 77,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,9% so cùng kỳ (tương đương tăng gần 5,4 tỷ USD). Trong số này đáng chú ý là mặt hàng dệt và may mặc tăng 10,2%; giày dép các loại tăng 19,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và link kiện tăng 62,9%.
 
Điều nghịch lý là trong khi mặt bằng giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng như cà phê tăng 3,9%, chè các loại tăng 5,1%...thì lượng xuất khẩu lại giảm (cà phê giảm 40,6%; chè các loại giảm 2,2%). Giá bình quân dầu thô giảm 50,5% song lượng xuất khẩu lại tăng 12%; cao su giảm 27,8% nhưng lượng xuất khẩu vẫn tăng tới 41,1%.
 
Một số mặt hàng khác có giá bình quân giảm như gạo (4,6%); xăng dầu các loại (37,8%)… do vậy, lượng xuất khẩu giảm theo: gạo giảm 0,5%; xăng dầu các loại giảm 32%.
 
Về thị trường xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2015, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 15,5% và chiếm tỷ trọng 19,7%; xuất khẩu vào EU tăng 10,6% và chiếm tỷ trọng 18,8%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 2,7% và chiếm tỷ trọng 12,4%. Ngược lại, xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 5,8%, chiếm tỷ trọng 9%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 1,2% và chiếm tỷ trọng 9,8%.
  
Theo nhận định của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ - đây là mức tăng trưởng thấp so với các năm trước cũng như thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng trưởng xuất khẩu 10%).
 
Nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2015 không cao là do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Nhóm nông, thủy sản giảm do các tháng đầu năm thường chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu nên lượng xuất khẩu giảm – đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Đối với nhóm nhiên liệu, khoáng sản, do giá dầu thô và xăng dầu xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”