"Nghĩa địa" bất động sản bủa vây thị trường
Việc Hoàng Anh Gia Lai quyết định “đầu hàng” thị trường BĐS tại Việt Nam nhưng lại bỏ hàng trăm triệu USD vào thị trường BĐS ở Myanmar và Lào với kỳ vọng “kiếm tỉ đô như chơi sau vài năm nữa khi thị trường này nóng bừng bừng” cho thấy niềm tin vào một sự phục hồi của thị trường này đối với nhiều DN đã quá mong manh.
Là một trong những người đầu tư vào thị trường BĐS lớn nhất TPHCM nhưng Hoàng Anh Gia Lai của “bầu” Đức cũng phải quyết định rút khỏi thị trường vốn được cho là béo bở, nhiều màu mỡ này. Nhìn xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, có thể thấy HAGL đã có lộ trình hẳn hoi để rút khỏi thị trường BĐS TPHCM.
Năm 2009, HAG hạ giá 40% để bán chung cư Hoàng Anh River View. Năm 2011, một Cty thứ cấp hạ giá 20% để bán chung cư An Tiến, rồi sau đó tiếp tục bán rẻ chung cư Thanh Bình, quận 7.
Năm 2009, HAG hạ giá 40% để bán chung cư Hoàng Anh River View. Năm 2011, một Cty thứ cấp hạ giá 20% để bán chung cư An Tiến, rồi sau đó tiếp tục bán rẻ chung cư Thanh Bình, quận 7.
Thị trường bất động sản đang được coi là rất khó khăn (ảnh minh họa).
Đó là những bước đi hiện thực hóa chủ trương “thoát” dần khỏi BĐS mà ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAG - đã từng tuyên bố với cổ đông, BĐS không sinh lợi, rút tiền để trồng caosu, trồng mía đường ở Lào, Campuchia và bây giờ là đầu tư BĐS ở Myanmar, để tăng trưởng bền vững, ổn định dài hơi.
Một đại gia BĐS khác đang rơi vào vòng xoáy nợ nần và đang “thu gọn” lại đó là CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT QCG - than thở: “Mỗi tháng Cty phải trả lãi vay tương đương vài căn hộ, tài sản ra đi mà không cứu được”.
Đối phó với khó khăn, QCG đã giảm dần nhân sự, mỗi Cty con chỉ duy trì 3 người: 1 GĐ, 1 kế toán và một người phụ trách kinh doanh. Tiếp đó, đầu tháng 7.2013, QCG đã có văn bản gửi Sở GDCK thông báo về việc thoái vốn khỏi 2 Cty con, đó là Cty TNHH Thương mại xây dựng đầu tư phát triển nhà Hưng Thịnh và Cty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường.
Theo BCTC cuối năm 2012, QCG đã đầu tư vào 2 Cty này tổng cộng 81 tỉ đồng. Đặc biệt, trước đó Cty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường đã bị tòa xử thua kiện khách hàng và đang kháng cáo.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc nhiều DN ráo riết bán bớt dự án đầu tư, theo nhiều chuyên gia, giống như hành động “vứt bớt hàng hóa xuống biển để giúp con tàu dễ dàng vượt bão”. Một đại gia khác trong giới đầu tư kinh doanh BĐS cũng có nhiều cuộc tháo vốn trong thời gian qua là CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH).
Mới đây, KDH thông báo hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình tại Cty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà Đoàn Nguyên. Theo đó, KDH đã chủ động tạm ngừng triển khai nhiều dự án từ năm 2012 nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính. Trước đó, KDH cũng đã thực hiện thoái vốn tại nhiều dự án.
Điển hình là việc chuyển nhượng 25% vốn trong Cty liên doanh CVH Mùa Xuân cho CapitalLand để không phải tăng thêm vốn cho việc xây dựng dự án. Đầu tháng 8, KDH cũng công bố hoàn tất chuyển nhượng gần 70 tỉ đồng giá trị góp vốn tại Cty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Khu Đông (tương đương 25% VĐL).
Theo giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức, “chỉ những phân khúc đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp may còn trông chờ chút lãi. Nếu đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở cao cấp thì không mong thu được vốn. Và trong khi thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi, thì HAGL lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài” - ông Đức chia sẻ.
Trên thực tế, những nhận định của ông Đức hay của bất cứ một chủ DN BĐS nào về thị trường BĐS của Việt Nam gần như không còn ảnh hưởng đến thị trường bởi nhẽ, bản thân HAGL là một chủ đầu tư lớn nên tiếng nói của họ hiếm khi được nhìn nhận là khách quan.
Tuy nhiên, ngày qua ngày, hình ảnh những “nghĩa địa BĐS” hoang hóa bủa vây Hà Nội, những bãi đất được xem là vàng tại TPHCM được biến thành bãi giữ xe đã như một lời khẳng định chân thực nhất về thực trạng của thị trường này.
Theo Gia Miêu