Nghi vấn Trung Quốc làm giả số liệu tăng trưởng GDP quý II
(Dân trí) - Ngay sau khi chính quyền Trung Quốc công bố GDP quý II/2020 đạt mức 3,2%, các chuyên gia kinh tế thế giới bày tỏ nghi ngờ Bắc Kinh lại “bơm” số liệu tăng trưởng.
Số liệu tăng trưởng đầy bất ngờ?
Vượt xa dự báo của các nhà phân tích, mới đây Trung Quốc đã “tô hồng” viễn cảnh tương lai đầy triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với mức tăng trưởng 3,2% trong quý II năm nay.
Dù nền kinh tế Trung Quốc thực sự có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, sự chênh lệch giữa dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và các cơ quan chính phủ khác công bố đã thổi bùng lên những nghi ngờ về tính chính xác của mức tăng trưởng GDP đầy bất ngờ này.
Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho rằng, không có sự nhất quán giữa các cuộc điều tra hoạt động doanh nghiệp tại Trung Quốc và báo cáo tăng trưởng sản lượng công nghiệp tại nước này.
Một ví dụ cụ thể được ông đưa ra, trong khi cơ quan thống kê của Trung Quốc tuyên bố mới chỉ có 67,4% doanh nghiệp công nghiệp đã khôi phục 80% công suất hoạt động bình thường tính đến ngày 27/5, thì dữ liệu kinh tế mới đây lại cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ có vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết khoảng 10% doanh nghiệp dịch vụ nước này vẫn đang đóng cửa tính đến cuối tháng 6, nhưng dữ liệu kinh tế mới công bố lại cho thấy sự tăng trưởng sản lượng dịch vụ 1,9% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.
“Rất khó để tạo ra sự tăng trưởng so với những năm trước đó khi các công ty gần như bị đóng băng trong một khoảng thời gian dài”, ông Derek chia sẻ. Vị học giả này còn cho rằng việc công bố GDP 3,2% là cần thiết để đảm bảo cho chính quyền của ông Tập Cận Bình đạt được những mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Dù Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể cho năm 2020, rõ ràng chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn tham vọng vươn tới một mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhất định cho năm kết thúc thập kỷ 2020. Chính phủ Bắc Kinh đang kỳ vọng sẽ đạt tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19 trong bối cảnh các quốc gia khác trên toàn cầu vật lộn để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Không riêng Derek Scissors, nhiều chuyên gia khác trên thế giới cũng tỏ ra không bị thuyết phục bởi dữ liệu GDP gây bất ngờ mà Trung Quốc vừa công bố. Trey McArver, chuyên viên tại công ty tư vấn Trivium China (Bắc Kinh) nhận định số liệu thống kê GDP chính thức của Trung Quốc “là quá tốt” so với thực tế.
Số liệu “cao su”
Nhà kinh tế Huw McKay của Hãng Westpac cho biết, áp dụng luật Benford, phương pháp phân tích để phát hiện các bất thường trong số liệu thống kê, cho thấy dữ liệu GDP Trung Quốc hoàn toàn không chính xác.
Các học giả quốc tế từng dùng phương pháp này để phát hiện Chính phủ Hi Lạp “tô hồng” nhiều dữ liệu kinh tế hồi năm 2011. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có truyền thống thổi phồng số liệu kinh tế vì mục đích chính trị.
Theo báo Financial Times, nhà kinh tế Harry Wu của viện nghiên cứu độc lập The Conference Board nghiên cứu các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc từ nhiều thập niên qua và xác định từ năm 1978 đến 2012, GDP Trung Quốc đạt mức trung bình 7,2% mỗi năm.
Con số này dù vẫn rất cao nhưng không giống con số chính thức 9,8% do Bắc Kinh công bố. Westpac gọi số liệu tăng trưởng của Trung Quốc là “cao su”, nghĩa là có thể đàn hồi, co giãn tùy ý muốn của chính phủ nước này.
Trên thực tế, hồi năm 2010 một bức điện tín ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc bị rò rỉ cho biết: Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó còn là bí thư Liêu Ninh, mô tả số liệu GDP của nước này là “nhân tạo”.
Ông Lý đề nghị phương pháp mới đo tăng trưởng, bao gồm việc tính toán các số liệu như mức tiêu thụ điện, lượng hàng hóa trên các chuyến tàu, các khoản vay ngân hàng... Các tổ chức quốc tế sử dụng phương pháp này và đều cho kết quả GDP Trung Quốc quý 3 vừa qua chỉ đạt từ 4 - 5%.
Hương Vũ
Theo SCMP