Nghỉ lễ 2/9, gửi tiết kiệm ngân hàng nào có lãi cao nhất?
(Dân trí) - Với tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất trên 7%/năm không còn xuất hiện mà cao nhất chỉ là 6,8%/năm, thấp nhất 5%/năm.
Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 31/8, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 6,11%/năm, giảm gần 1 điểm % so với đầu tháng 7 và giảm hơn 2,2 điểm % so với đầu năm.
Không còn mức lãi suất trên 7%/năm
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy, hầu hết các đơn vị đều niêm yết mức lãi suất quanh mốc 5,8-6%/năm. Theo đó, mức lãi suất cao nhất xuất hiện là 6,8%/năm và thấp nhất là 5%/năm, không còn đơn vị nào áp dụng mức trên 7%/năm.
CBBank và Nam A Bank đang là 2 đơn vị có mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 12 tháng với 6,8%/năm. Theo sau là BaoVietBank và Dong A Bank với 6,7%/năm. OCB, SHB và VietBank cùng niêm yết mức lãi suất 6,6%/năm.
Một loạt nhà băng khác cũng áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm như HDBank, SCB, Sacombank, LPBank, MB, VIB...
Nhóm big 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) mới đây cũng vừa điều chỉnh giảm tiếp lãi suất huy động các kỳ hạn. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất của 4 đơn vị này ở kỳ hạn 12 tháng tương đương nhau ở mức 5,8%/năm, tức người gửi tiền 100 triệu đồng, sau một năm nhận lãi 5,8 triệu đồng.
Với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất là 3%/năm, 3 tháng từ 3,8%/năm, 6-9 tháng là 4,7%/năm.
Thông thường, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước thường là nhóm có mức lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Tuy nhiên sang đầu tháng 9, nhiều đơn vị áp dụng mức lãi suất thấp hơn nhóm big 4, như Techcombank áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,75%/năm, Eximbank (5,6%/năm), SeABank (5,5%/năm), MSB (5,4%/năm), ACB (5,3%/năm) và ABBank (5%/năm).
Ở kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, mức lãi suất cao nhất được áp dụng là 4,5-4,75%/năm, thấp nhất là 3-3,7%/năm. Ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất cao nhất là 6,4-6,6%/năm, thấp nhất 4,7%/năm.
Nhiều ngân hàng tung lãi suất "khủng" đi kèm điều kiện
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm lãi suất, ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy một số đơn vị vẫn đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7,5-11%/năm với điều kiện đi kèm như gửi khoản tiền gửi lớn, gửi kỳ hạn dài, tài khoản mở mới...
PVcomBank nhiều tháng liên tiếp áp dụng mức lãi suất 11%/năm với khoản tiền trên 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 12 và 13 tháng. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này hiện áp dụng lãi suất 6,6%/năm. Lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay.
Với khoản tiền gửi trên 300 tỷ đồng, HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8,6%/năm kỳ hạn 12 tháng, 9,3%/năm kỳ hạn 13 tháng.
Với khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng tại ACB, ngân hàng áp dụng lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, trong trường hợp dưới 200 tỷ đồng lãi suất ở mức 5,3%/năm.
Nền lãi suất huy động thấp nhưng lãi vay còn cao
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, đánh giá mức lãi suất huy động hiện nay đã là tương đối thấp, tuy nhiên lãi suất cho vay thì chưa. Lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn khá cao ở một số ngân hàng.
Lý do lãi suất cho vay còn cao là vì cho vay không tương xứng với huy động. Hiện, ngân hàng cho vay khó trong khi huy động lãi cao, dẫn đến tình trạng thừa vốn, do đó các ngân hàng vẫn neo lãi cao để bù đắp chi phí đầu vào.
Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy, tính đến cuối tháng 8 một số ngân hàng vẫn đang có mức lãi suất cho vay quanh mốc 10-13%/năm. Lãi suất cho vay các ngân hàng sẽ bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ, trong đó biên độ lãi suất được xác định dựa trên xếp hạng tín dụng của khách hàng.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho biết dựa trên các chỉ số vĩ mô cũng như lập trường thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất Fed được dự báo sẽ còn 1-2 đợt tăng với mức tăng 25-50 điểm cơ bản.
Theo quan điểm chung, khả năng tăng 25 hoặc 50 điểm cơ bản nữa so với mức tăng tổng hơn 500 điểm cơ bản kể từ cuối quý I/2022. MAS đánh giá mức tăng này là không đáng kể và sẽ không tác động quá lớn đối với các nền kinh tế khác.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái đồng nội tệ vẫn đang ổn định sau những đợt điều chỉnh lãi suất. Điều này có thể tạo nền tảng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì môi trường tiền tệ nới lỏng trong những quý tới.
Tuy nhiên, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong nước để hỗ trợ nền kinh tế chưa thực sự cần thiết vì cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đều cần thời gian để phản ánh hoàn toàn những thay đổi lãi suất điều hành gần đây, nhóm chuyên gia đánh giá.