1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ “đại gia” xử lý thải xả ô nhiễm ra sông Đồng Nai:

Nghi án về hồ sinh thái của Sonadezi Long Thành

Đây là hồ có thể tích tới 45.000m3 nước, có thể chứa gấp 3 lần lượng nước thải (10.000m3/ngày đêm) xả thải trực tiếp ra rạch Bà Chèo rồi ra sông Đồng Nai nhưng lại nằm ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hồ nhằm xử lý sinh học nước thải, sau khi đã xử lý ở các công đoạn trước đó. Nhưng tại thời điểm C49 phát hiện thì hồ đã biến thành nơi pha loãng nước thải chứ không phải là “xử lý sinh học”.    

 

Chiều hôm qua (16/8), Hội Nông dân Đồng Nai đã nhận 122 đơn khiếu kiện của nông dân về vụ Sonadezi Long Thành xả thải gây ô nhiễm khiến họ thiệt hại.

 

Hồ xử lý sinh thái để pha loãng nước thải

 

Năm 2005, Sonadezi Long Thành đã thuê Cty công trình thủy lợi Đồng Nai thiết kế xây dựng thêm hồ sinh thái và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2007, chỉ được Sở KHCN Đồng Nai thẩm định. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phê duyệt, không hề có hạng mục này.
 
Nghi án về hồ sinh thái của Sonadezi Long Thành - 1
Hồ sinh thái nghi án của Sonadezi Long Thành.

 

Sonadezi Long Thành không báo cáo Bộ TNMT điều chỉnh nội dung đưa hồ sinh thái vào quy trình xử lý thải. Hồ sinh thái được Sonadezi Long Thành làm, có thể tích chứa 45.000m3 nước, là nơi cuối cùng tiếp nhận nước thải từ hồ hoàn thiện và là đầu mối để xả nước thải ra rạch Bà Chèo trước khi ra sông Đồng Nai. Nước từ hồ này thải ra rạch thông qua 2 ống xả trên mặt và 1 ống xả dưới đáy được vận hành đóng mở bằng cống xả.

 

Theo một tờ trình của Sonadezi Long Thành thì hồ sinh thái được xây nhằm xử lý nước thải bằng quá trình xử lý sinh học, sau khi đã xử lý ở các công đoạn trước đó.

 

Tuy nhiên tại thời điểm C49 phát hiện (ngày 4/8/2011), tại biên bản ký với C49, theo trả lời của ông Trần Quang Thỏa (Phó Tổng GĐ Sonadezi Long Thành) thì hồ sinh thái đã biến thành nơi pha loãng nước thải chứ không phải là... “xử lý sinh học”.

 

Cụ thể, đại diện Sonadezi Long Thành thừa nhận rằng do chưa kiểm soát được chất lượng nước thải đầu vào từ các DN về nhà máy xử lý tập trung nên chưa xử lý độ màu đạt chuẩn. Vậy nên để giảm chỉ tiêu ô nhiễm về độ màu trong nước thải, Cty đợi khi thủy triều lên sẽ tích nước thải từ hồ hoàn thiện ra hồ sinh thái để pha loãng rồi khi thủy triều rút sẽ kéo toàn bộ nước thải đã pha loãng ra rạch Bà Chèo để ra sông Đồng Nai.

 

Giấy phép khó hiểu của Bộ TNMT

 

Liên quan đến hành vi pha loãng nước thải tại hồ sinh thái của Sonadezi Long Thành, chúng tôi phát hiện giấy phép cho xả thải của Bộ TNMT cũng có vấn đề. Sông Đồng Nai có chế độ bán nhật chiều nên ở giai đoạn 1 công suất 5.000m3/ngày đêm của Nhà máy xử lý thải Sonadezi Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ cấp phép cho Sonadezi Long Thành xả thải (4.800m3/ngày đêm) theo chế độ thủy triều (tức khi nước rút).
 
Nghi án về hồ sinh thái của Sonadezi Long Thành - 2
Cống xả thải ra rạch Bà Chèo rồi ra sông Đồng Nai của Sonadezi Long Thành.

 

Tuy nhiên khi Sonadezi Long Thành nâng công suất lên 10.000m3, tháng 5/2011, Bộ TNMT đã cấp phép cho Cty được xả thải... 24h/ngày đêm không theo chế độ thủy triều. Đồng nghĩa với việc cống xả được phép mở 24/24h, tức là nước thải lúc nào cũng sẵn sàng tống ra sông và ngược lại, nước sông lúc nào cũng sẵn sàng vào hồ sinh thái để pha loãng nước thải rồi “kéo nhau” ra sông khi thủy triều rút.

 

Như vậy thì làm sao có thể kiểm soát được việc nước thải xả ra có đạt chuẩn hay không. Nếu như Cty gian dối, bỏ qua các công đoạn xử lý trước khi nước thải ra hồ sinh học, mà để nước sông pha loãng độc chất thì với quy trình thanh - kiểm tra có báo trước của cơ quan chức năng hiện nay, liệu có phát hiện nổi(?!).

 

Tìm hiểu của PV, hiện UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TNMT và cả Sonadezi “mẹ, con” đều hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước thải mà C49 đã lấy. Nếu như kết quả đúng như lý giải của Sonadezi Long Thành, tức chỉ không đạt độ màu, thì cái “án” sẽ nhẹ. Bởi việc xử lý độ màu của nước thải là vấn đề truân chuyên của ngành dệt nhuộm hiện nay.

 

Nhưng nếu kết quả phát hiện hàng loạt các chỉ tiêu khác chưa được xử lý thì cái “án” cho Sonadezi Long Thành còn hơn cả Vedan VN. Bởi Vedan VN khi bị phát hiện chỉ xả thải trung bình 5.000m3/ngày đêm, còn  Sonadezi Long Thành tới hơn 9.000m3/ngày đêm. Vedan VN chỉ là một DN sản xuất, còn Sonadezi Long Thành “tập kết” nước thải của khoảng 60/65 DN tại KCN Long Thành và thu tiền với giá 0,32USD/m3 tính trên 80% tổng lượng nước cấp.   

 

Theo Ngô Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm