Thực phẩm chế biến cho dịp Tết:

Nghèo sản phẩm mới, giá không tăng

Nguyên nhân nghèo nàn sản phẩm mới là do doanh nghiệp không nhìn thấy sức hấp dẫn tiêu thụ của thị trường Tết năm nay.

Những nhà sản xuất có thương hiệu như Vissan, Agifish, D&F, Cầu Tre, Việt Hương, Đức Việt… có rất ít hoặc gần như không có hàng mới bán dịp Tết. Dự báo sức mua khó tăng mạnh, nên họ không đầu tư nhiều vào sản phẩm mới, và lo giữ giá như ngày thường để không bị mất doanh thu.

 

Sài Gòn Food là một trong số khá ít doanh nghiệp ngành thực phẩm chế biến tung ra đến 14 mặt hàng mới bán Tết. Còn lại, cho đến thời điểm này, những thương hiệu sản xuất thực phẩm lớn hầu như không đưa ra bất cứ chương trình truyền thông nào quảng bá dòng sản phẩm mới cho thị trường Tết Nguyên Đán.

 

Nghèo sản phẩm mới, giá không tăng - 1
Tết năm nay, rất ít doanh nghiệp có thương hiệu tung ra sản phẩm mới.

 

Lo không bán được

 

Vissan mới chỉ có thêm loại giò lụa đặc biệt, ngon hơn loại cũ và bán giá cao hơn. Agifish An Giang năm ngoái tung ra liền một lúc năm mặt hàng mới (gồm chả cá, chả viên, chạo cá, ốc bươu nhồi thịt và đậu hũ cá), thì năm nay, doanh nghiệp này tiếp tục lấy đó làm chủ đạo rồi “gia cố” thêm một vài đặc tính chứ không tung ra thêm bất kỳ sản phẩm mới nào.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, giám đốc phân phối thực phẩm Đức Việt khu vực phía Nam, thì nguyên nhân nghèo nàn sản phẩm mới là do doanh nghiệp không nhìn thấy sức hấp dẫn tiêu thụ của thị trường Tết năm nay.

 

Ông Nguyễn Văn Ký, giám đốc Agifish và ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc D&F đều có chung quan điểm rằng: “Lúc này mà tung ra sản phẩm mới chưa chắc đã bán được”. “Mọi năm còn khoảng hơn một tháng nữa là khách ùn ùn đặt hàng, nhưng năm này đến thời điểm này mà còn khá im ắng”, ông Phương nói.

 

Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc công ty Sài Gòn Food cũng cho biết: “Hy vọng vào giờ chót sức mua có sự biến động, còn đến thời điểm ngày 18/12 thì lượng hàng các siêu thị đặt mua gần như không tăng so với năm ngoái. Mọi người đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu”.

 

Giữ giá để bán hết hàng

 

Khảo sát hơn chục doanh nghiệp chế biến thực phẩm Tết, không có nhà kinh doanh nào đề cập đến việc tăng giá vào dịp Tết. Việc cam kết giữ giá không tăng là nét mới của thị trường, khác hẳn mọi năm.

 

Ngoài việc khẳng định sẽ giữ nguyên giá ngày thường, có trường hợp công ty còn khéo léo “làm mới” sản phẩm cũ để bán hạ giá cho phân khúc tiêu thụ trung bình như dòng sản phẩm lộc phát gồm xúc xích, giò chả, lạp xưởng… của Đức Việt sẽ bán giá thấp hơn 20%, từ 120.000 – 130.000 đồng/kg.

 

Ông Phan Văn Dũng, trưởng phòng kinh doanh tiếp thị công ty Vissan nói: “Hiện nay nguồn cung không lo thiếu, nhưng phía cầu thể hiện xu hướng giảm, nên giữ giá để hy vọng giữ sức mua. Nếu tăng giá thì chắc chắn sẽ làm giảm sức mua”.

 

Ông Nguyễn Kim Ngân, tổng giám đốc công ty thực phẩm Việt Hương nói thêm: “Cái khó của Tết năm nay không nằm ở giá cả đầu vào, mà nằm ở sức mua thì giảm, mà cạnh tranh lại càng tăng”. Cụ thể, sự xuất hiện của một số công ty sản xuất mới tham gia vào mặt hàng đồ hộp, xúc xích, giò chả… cùng với một số cơ sở sản xuất nhỏ cũng tìm cách len chân vào siêu thị, cửa hàng thông qua hình thức sản xuất hàng nhãn riêng, làm cho thị trường của từng doanh nghiệp có nguy cơ bị thu hẹp.

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Sơn, cho biết trong hai quý cuối năm nay môi trường chăn nuôi gặp thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh nên nguồn cung thịt khá dồi dào, giá ổn định giúp cho giá thành đầu vào các sản phẩm chế biến không tăng như năm ngoái.

 

Một số doanh nghiệp còn cho rằng năm nay Nhà nước cho nhập khẩu thịt khá thông thoáng nên nguồn nhập về nhiều, giá thấp và ổn định. Cách nay hai ba tháng, khá nhiều thương hiệu lớn đã mua thịt heo đông lạnh làm hàng chế biến với giá rẻ hơn nội địa 15 – 20% nên việc họ không tăng giá là dễ hiểu.

 

Theo Hoàng Bảy - Bích Thuỷ
SGTT