Nghệ nhân gốc Việt đứng sau Hublot
Tôi có dịp tới thăm nhà máy của Hublot tại Nyon trong khuôn khổ sự kiện Geneva Day mà Hublot tổ chức bên lề triển lãm SIHH. Tuy thời tiết không thuận lợi nhưng món quà mà Hublot dành cho đoàn Việt Nam quả thực rất đáng nhớ. Tại sảnh chờ của nhà máy, trong chiếc áo blouse trắng, đứng chờ chúng tôi là một người đàn ông Châu Á bé nhỏ, mái tóc hoa tiêu. Ông mỉm cười và dang tay: “Xin chào các bạn!”
Tôi không thể tin vào tai mình khi nghe tiếng chào quen thuộc như vậy tại đây. Quả là một sự sắp đặt thú vị. Người đàn ông đứng trước mặt chúng tôi tên Chính họ Đoàn, là nghệ nhân trưởng của bộ phận siêu phức tạp – High Complication của Hublot. Ông là người sẽ đưa chúng tôi đi thăm nhà máy ngày hôm nay.
Việc gặp được một nghệ nhân đồng hồ đồng hương và còn làm tới chức vụ Head Watchmaker của khu vực High Complication khiến chúng tôi thực sự xúc động. Ông Chính đã sắp tới tuổi nghỉ hưu. Ông lớn lên ở Việt Nam rồi sau đó mới sang Thái học và bắt đầu làm quen với đồng hồ từ đây. Về sau Ông định cư tại Thuỵ Sĩ và trở thành một nghệ nhân đồng hồ tới nay đã 40 năm kinh nghiệm. Bản thân Ông từ nhỏ đã có niềm đam mê với các cỗ máy cơ khí và được gia đình khuyến khích theo đuổi. Ông vẫn nói tiếng Việt như một người Việt bình thường và vì tính chất công việc phải di chuyển quá nhiều ông Chính đã lâu chưa có dịp về Việt Nam.
Trước khi làm việc với Hublot, ông Chính từng gắn bó với Rolex, Vacheron Constantin, Patek Philippe và hơn nửa sự nghiệp Ông đã đi cùng Hublot. Hành lang đầu tiên mà ông Chính giới thiệu tới chúng tôi là phần lịch sử thương hiệu, chỉ vỏn vẹn 40 năm nhưng đầy những cột mốc ấn tượng.
Một thương hiệu thành công hay không có rất nhiều yếu tố và Hublot may mắn có được một nhà chiến lược sáng suốt, một CEO tận tuỵ, một nhà đầu tư hung mạnh như LVMH và những nghệ nhân bậc thầy yêu nghề như Ông Đoàn Chính. Khác với chính sách của nhiều thương hiệu khác cùng phân khúc, Hublot luôn cố gắng đưa ra những phiên bản giới hạn thú vị theo triết lý Art of Fusion để phục vụ nhiều nhóm khách hàng nhỏ cho đúng sở thích của họ. Điều này yêu cầu những nghệ nhân của Hublot cũng phải có một tinh thần năng động và luôn cháy lửa nhiệt huyết.
Ở nhà máy của thương hiệu đồng hồ phát triển nhanh nhất trong lịch sử không có chỗ cho những sự ngần ngại hay chậm trễ. Khi nghĩ tới cụm từ nhà máy, chắc chắn mọi người liên tưởng tới các cỗ máy lạnh lung, âm thanh chat chúa và những nghệ nhân cặm cụi như những cỗ máy, nhưng ở nhà máy Hublot tại Nyon, ngoài thời tiết lạnh cắt da cắt thịt còn có những nghệ nhân ấm áp và gần gũi.
Cách mà Ông Chính miêu tả về chủ tich Biver đầy sự ngưỡng mộ. “Ông ấy trong suốt sự nghiệp của tôi luôn được ca ngợi về tầm nhìn. Có những điều ông ấy bảo chúng tôi làm từ 10 năm trước, khi đó mình chưa hiểu ngay được nhưng đều là những điều rất đúng đắn và tuyệt vời cho Hublot.” Trong hình là ngài Jean-Claude Biver cùng ông Chính tham dự và phát biểu ở một trong những hội nghị về khoa học quan trọng ở Munich.
Ông Chính Đoàn có chuyên môn ở một trong những lĩnh vực khó nhằn của ngành đồng hồ - lĩnh vực “high complication” (Siêu phức tạp), với nhiệm vụ tạo nên những cỗ máy siêu phức tạp mà các nghệ nhân đồng hồ đều ngưỡng mộ và muốn chinh phục. Giờ đây Ông Chính bay đi khắp nơi đảm bảo kĩ thuật tại các sự kiện lớn của Hublot, đặc biệt chuẩn bị cho các cỗ máy in-house như Unico hay Mecca ra mắt tại Basel hằng năm. Ông cũng đảm nhiệm đón tiếp nhiều đoàn khách tới thăm nhà máy, từ các bloggers về đồng hồ, báo chí cho tới cả những vị khách quan trọng như Chủ tịch của Ferrari.
Giới mộ điệu Việt Nam đánh giá cao và yêu thích các thiết kế của Hublot, từ đơn giản tới phức tạp chắc hẳn sẽ cảm thấy gắn kết và đặc biệt tự hào khi thành công của Hublot có phần nào bóng dáng của một nghệ nhân mang dòng máu Việt Nam.
P. Anh