Nghề giúp việc “5 sao”: Lương cao, người vẫn thiếu

Nắm bắt được nhu cầu thuê người giúp việc “chất lượng cao” hiện nay, một số công ty đã tổ chức tuyển dụng và đào tạo các kỹ năng cần thiết, giúp họ có cơ hội tìm việc làm thu nhập tốt.

Tuy vậy, những công ty hoạt động trong lĩnh vực này còn ít và chưa nhiều người giúp việc ý thức được việc trang bị kỹ năng chuyên môn cho mình.

 

Người giúp việc rất cần được đào tạo trong các trung tâm (Ảnh minh họa)
Người giúp việc rất cần được đào tạo trong các trung tâm (Ảnh minh họa)

 

Khó tìm người chuyên nghiệp

 

Hiện có không ít công ty chuyên đào tạo và cung cấp dịch vụ người giúp việc nhà có chuyên môn, hướng đến những người có thu nhập cao, hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội. Giá thuê người giúp việc đã có “chứng chỉ” thường từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, tùy số giờ làm việc, trong khi, lương cho người giúp việc chưa qua đào tạo chỉ từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng.

 

Chị Phan Thanh Hường, 38 tuổi, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, từng là học viên của một công ty chuyên đào tạo người giúp việc cho người nước ngoài tâm sự: “Hiện tôi đã có việc làm ổn định với mức lương 4 triệu đồng/tháng cho một gia đình người New Zealand ở khu chung cư Golden West Lake. Chủ nhà rất tốt và tôn trọng tôi”.

 

Công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng những người giúp việc như chị Hường không nhiều. Bà Nguyễn Thúy Nga, giám đốc một công ty chuyên đào tạo người giúp việc cho người nước ngoài ở quận Tây Hồ cho biết: “Công ty luôn gặp khó khăn trong tuyển chọn và thiếu học viên có ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, học viên phải có lý lịch, sức khỏe, tư cách tốt trước khi được gửi đi làm. Những điều kiện đó khiến số người giúp việc “chất lượng cao” luôn thiếu”.

 

Thực tế, học viên xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo lựa chọn giúp việc gia đình thường không biết những trung tâm đào tạo nghề để tìm đến. Trong khi đó, nhu cầu của xã hội với công việc này rất lớn, nhiều nhà có con nhỏ hay người già luôn muốn tìm người giúp việc tận tâm và trả lương khá hậu hĩnh. Tất nhiên, yêu cầu của các gia đình cũng cao hơn trước. Trung thực, sạch sẽ, chăm chỉ dường như là chưa đủ, họ cần một người có kiến thức nấu ăn, biết sử dụng đồ điện tử gia dụng, thậm chí phải hiểu được tâm lý trẻ nhỏ và người già.

 

Gia đình chị Hoàng Xuân, giám đốc một công ty tổ chức sự kiện ở quận Hai Bà Trưng đã có 20 người giúp việc “đến và đi” song, đây là chuyện không hiếm.

 

“Nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình thì nhiều, người cần việc cũng chẳng ít, nhưng để chủ nhà và người giúp việc hiểu nhau và làm việc lâu dài rất khó. Chủ nhà thì ai cũng có yêu cầu riêng, còn người giúp việc bây giờ cũng kén việc. Họ lựa chọn những gia đình có nhà rộng, lương cao, có phòng riêng cho người giúp việc. Vì vậy, để có thể chọn được một người giúp việc ưng ý, có gia đình phải qua chục lần thay đổi”, chị Thu Hà, nhân viên một trung tâm giới thiệu người giúp việc ở quận Cầu Giấy cho biết.

 

Cần được coi là một nghề

 

Hiện nay, phần lớn các trung tâm đào tạo người giúp việc chỉ giới thiệu công việc, thỏa thuận mức lương giữa các bên, nhưng sau đó lại không theo sát quản lý họ. Quy trình tuyển, giới thiệu lao động của trung tâm là nhờ cộng tác viên ở địa phương giới thiệu. Vậy là ngay ở những trung tâm được xem là tin cậy thì việc quản lý lao động cũng chỉ dựa vào “chữ tín” của cộng tác viên địa phương. Khi đến với các trung tâm tuyển người giúp việc, họ chỉ cần vài buổi để lĩnh hội những hiểu biết sơ đẳng về nghề là bắt tay vào nhận việc ngay. Có lẽ sự xem nhẹ quyền lợi khách hàng của các trung tâm này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải thay “ôsin” xoành xoạch.

 

Ông Đỗ Trần Tuấn, Giám đốc một trung tâm dạy nghề ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chỉ 60% lao động nông thôn lên Hà Nội làm nghề giúp việc là “trụ” lại được với nghề. Những trường hợp bỏ việc về quê giữa chừng có nhiều nguyên nhân như nhớ nhà, thất vọng vì bị gia đình chủ đối xử thiếu tôn trọng... Với tính chất đặc thù của lao động giúp việc gia đình là người lao động sống khép kín cùng với gia đình người sử dụng lao động, khó xác định thời gian làm việc, nghỉ ngơi… Người lao động và người sử dụng lao động giúp việc gia đình thường không ký hợp đồng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động tự ý cho lao động giúp việc gia đình nghỉ khi không hài lòng. Tình trạng các gia đình “lao đao” vì người giúp việc nghỉ làm sau các kỳ nghỉ lễ tết phần nào phản ánh được sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong loại hình nghề nghiệp này”.

 

Theo Phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TB&XH, Hà Nội hiện có hàng chục trung tâm giới thiệu việc làm do Sở cấp giấy phép, song Sở chỉ có thể theo dõi hoạt động của các trung tâm này dựa theo báo cáo hàng năm do doanh nghiệp gửi lên. Tuy lao động ở các trung tâm này không thiếu, nhưng gốc gác và tư cách của họ rất khó kiểm soát.

 

 “Ở Việt Nam, chưa có yêu cầu về tay nghề đối với nghề giúp việc, vì vậy không có quy định cơ bản nào của pháp luật gắn với nghề này. Do vậy, để quản lý lĩnh vực trên, các cơ quan chức năng nên sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lao động giúp việc gia đình, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho người lao động và chủ thuê lao động, để loại hình lao động này phát triển và trở thành một nghề được tôn trọng và thừa nhận trong xã hội”, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận xét.

 

Theo Ngọc Bảo

ANTĐ