Nghệ An kiến nghị Thủ tướng dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Sau 11 năm, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập vẫn chưa được triển khai xây dựng, đồng thời việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương nên Nghệ An kiến nghị dừng dự án.

Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đề nghị kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I và II tại thị xã Hoàng Mai, đồng thời đưa 2 dự án này ra khỏi Quy hoạch điện VII và dự thảo Quy hoạch điện VIII. 

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất nội dung này. 

Nghệ An kiến nghị Thủ tướng dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập - 1

11 năm qua, khu đất xây dựng nhà máy Nhiệt Điện Quỳnh Lập vẫn để trống.

Theo đó, Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch địa điểm vào năm 2009 trên diện tích quy hoạch 283 ha, quy mô 2.400MW. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2. 

Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 thì nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỉ USD, công suất 1.200MW do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư) sẽ vận hành vào năm 2022.

Nghệ An kiến nghị Thủ tướng dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập - 2
Nghệ An kiến nghị Thủ tướng dừng thực hiện 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập - 3

Công văn kiến nghị Thủ tướng dừng dự án Nhiệt Điện Quỳnh Lập I, II vừa được tỉnh Nghệ An ký vào sáng 28/11.

Vào năm 2015 Nhà máy này đã động thổ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện triển khai xây dựng.

Theo Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, việc tỉnh này muốn dừng dự án là do Nghệ An muốn ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường để phát triển TX.Hoàng Mai thành đô thị biển, gắn với công nghiệp sạch và du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục y tế theo đúng định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.