1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngày đầu cấp “sổ đỏ” cho Việt Kiều: Èo uột!

Hà Nội là địa phương đầu tiên cấp sổ đỏ cho Việt Kiều và người nước ngoài, song trong ngày đầu thực hiện, lượng giao dịch vẫn èo uột.

Từ ngày 4/5, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài khi mua căn hộ, nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Với quyết định này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước cấp sổ đỏ cho Việt Kiều và người nước ngoài.

Thị trường bất động sản thành phố Hà Nội vẫn bình lặng trong ngày đầu thực hiện quyết định 13 của Ủy ban nhân dân thành phố về cấp sổ đỏ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Tại Sàn giao dịch Bất động sản Info, quận Cầu Giấy, lượng khách giao dịch khá thưa thớt. Theo quan sát, đối tượng tìm hiểu bất động sản tại đây chủ yếu là người dân thành phố và một số người tỉnh khác có nhu cầu tìm nhà.

Chị Võ Thị Hà, nhân viên kinh doanh ở đây cho biết: Từ trước tới nay khách là Việt Kiều và người nước ngoài giao dịch tại sàn rất hiếm hoi, vài năm nay mới chỉ có 1 đến 2 giao dịch loại này. Tuy nhiên theo chị Hà, quyết định số 13 của thành phố Hà Nội sẽ tạo thuận lợi hơn cho những đối tượng có nhu cầu. Tuy nhiên, việc tác động đến thị trường bất động sản trong ngày đầu thực hiện quyết định này là không đáng kể.

Còn tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, nơi được giao trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho cá nhân người nước ngoài, cho đến quá giờ trưa vẫn chưa có trường hợp người nước ngoài nào tới đăng ký cấp sổ đỏ. Nguyên nhân có thể do là ngày đầu quyết định có hiệu lực nên nhiều người chưa biết đến để tới đăng ký.

Theo quy định của thành phố Hà Nội, những đối tượng sau sẽ được cấp sổ đỏ: Đối với hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam (theo Luật Nhà ở, Luật Đất đai và theo Nghị định 71 năm 2010 của Chính phủ); chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, khi chưa sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các đối tượng này chỉ được giải quyết cấp 1 giấy chứng nhận sở hữu đất và nhà ở. Đối với chủ sở hữu là người nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết: “Văn phòng đất đai thành phố Hà Nội cũng nhận thức rất rõ ràng, đã quán triệt tới từng cán bộ, viên chức về công tác tiếp dân, trả lời dân và giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong đó có cả các tổ chức theo tinh thần nhanh gọn, không rườm rà, tạo mọi điều kiện cho dân chỉ đến nộp hồ sơ 1 lần và đến nhận kết quả lần cuối cùng, không phải đi lại nhiều. Các cá nhân, hộ gia đình liên hệ với văn phòng đăng ký đất đai để được hướng dẫn và nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận theo quy định”.

Theo GS,TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, đất ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam là kịp thời. Quyết định này sẽ tạo ra độ tin cậy cao hơn vào thị trường, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà pháp luật Việt Nam quy định. Ngoài ra còn góp phần đảm bảo cho giao dịch thị trường tốt hơn, khắc phục được những rủi ro khi đã bỏ tiền ra mua nhà, đất nhưng lại không được cấp giấy.

“Đây là quyết định tốt, làm cho thị trường tăng được thêm giao dịch khi mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài biết rằng pháp luật đã bảo hộ cho họ, giúp họ thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ rất nhanh, giúp họ được cấp giấy. Khi họ trực tiếp đứng ra mua là họ làm tăng giao dịch trên thị trường và đặc biệt là đối với người nước ngoài cũng như người Việt Nam định cư ở nước ngoài, họ hướng tới khu vực nhà giá cao, không gian ở tốt, là một trong những cách tham gia vào việc giải tỏa kho bất động sản tồn đọng hiện nay.” - GS-TS Đặng Hùng Võ nói.

Theo số liệu của Cục Đăng ký và Thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) tính đến ngày 1/2/2013, cả nước có 427 người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong đó có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam. Đây là một con số khiêm tốn trong tổng số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế, việc Hà Nội triển khai quyết định 13 là cần thiết.
 
Theo Nguyên Nhung - Thy Hạt
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm