1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngành xi măng đối mặt với nguy cơ thiếu than

(Dân trí) - Các nhà máy sản xuất xi măng cần phải thay đổi công nghệ để sử dụng các loại than chất lượng thấp hơn, phù hợp và tiết kiệm. Nếu không trước sức ép tăng trưởng mạnh như hiện nay, ngành xi măng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu than.

Ngành xi măng đối mặt với nguy cơ thiếu than  - 1
Ngành than chưa thoát “vòng kim cô” sản lượng
 
Không cung cấp than do nợ tiền quá hạn

Theo Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), nguồn than phục vụ cho sản xuất của các đơn vị thành viên thuộc Vicem đang trong tình trạng báo động.

Mỗi ngày, các nhà máy xi măng của Vicem cần 5.000 tấn than cám (loại 3 và 4), tuy nhiên lượng than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung ứng cho Vicem chỉ đáp ứng một nửa yêu cầu.

Tình trạng thiếu than cho sản xuất xảy ra ở tất cả các nhà máy ximăng của Vicem như Hoàng Thạch, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hải Phòng, Hà Tiên...

Tại cuộc họp báo chiều 20/10, TKV đã có ý kiến chính thức về vấn đề này. Theo đó, năm 2010, TKV đã ký hợp đồng cung cấp cho các hộ xi măng khoảng 6,2 triệu tấn như: Tổng công ty xi măng Việt Nam, Chinfon, Phúc Sơn, Cẩm Phả, Holcim, Sông Gianh, Tây Ninh… Nếu so với sản lượng than theo họp đồng đã ký năm 2009 thì tăng 31%.

Trong 9 tháng đầu năm, TKV đã thực hiện 4 triệu tấn than, đạt 64,8% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, sở dĩ tỷ lệ thực hiện cung cấp thấp như vậy là do nhiều yếu tố.

Ngoài ảnh hưởng từ thời tiết, một số thời điểm không đủ nguồn than cám 3, 4 để cung cấp cho khách hàng, nhất là vào thời điểm tiết giảm điện mùa khô và mưa lớn trong mùa mưa thì còn có nguyên nhân từ phía khách hàng.

Nhiều đơn vị mua than gặp khó khăn về tài chính, nợ tiền mua than. Ông Hùng chỉ rõ, trong tháng 9/2010, hầu hết khách hàng đều phát sinh nợ tiền than quá thời hạn thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tại thời điểm đó, TKV và khách hàng đã tạm dừng giao nhận than theo quy định trong hợp đồng.

Cần thay đổi công nghệ “con nhà giàu”

Giải thích về những băn khoăn của dư luận về việc dù khách hàng trong nước kêu thiếu than thì TKV vẫn ưu tiên xuất khẩu, lãnh đạo TKV khẳng định: Cơ cấu sản lượng tiêu thụ hàng năm của TKV đều được báo cáo đầy đủ cho các bộ ngành có luận cứ rõ ràng là tại sao phải xuất khẩu như vậy.

“Với giá bán than trong nước chưa được điều chỉnh hợp lý thì cần có lượng xuất khẩu đắp vào để cân đối tài chính, không chỉ đảm bảo mục tiêu xuất khẩu mà còn liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập người lao động...” - ông Hùng nói.

Trở lại sự việc thiếu than cho xi măng, điều đáng lo ngại của ngành than là công nghệ hiện tại của các nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam luôn đòi hỏi than cám có chất lượng cao, trong khi tỷ lệ này trên tổng sản lượng khai thác chỉ chiếm khoảng 15 - 16%.

“Như vậy, nếu sang năm sản lượng không đạt được 43 triệu tấn như năm nay thì con số 6 triệu tấn để cung cấp cho xi măng sẽ rất khó khăn. Đây chính là gốc rễ của vấn đề” - ông Lê Minh Chuẩn, Phó Tổng giám đốc TKV khẳng định.

Do đó, TKV khuyến nghị, các nhà máy xi măng hãy nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thế giới để thay đổi công nghệ của những “con nhà giàu”. Việc sử dụng sản phẩm than một cách đa dạng không chỉ giúp các nhà máy xi măng tiết kiệm mà còn tạo nhiều thuận lợi cho ngành than.

Bởi nếu xi măng chỉ dùng than tốt, còn than xấu TKV không bán được sẽ rất nguy… Các nhà máy xi măng có thể dùng loại than cám 4b và cám 5 thay vì chỉ dùng loại than cám 3 như trước đây.

TKV cũng cảnh báo trước nguồn cung có hạn, các khách hàng cần chủ động xem xét lại kế hoạch cho hợp lý, nếu không sẽ rất gay go. Bên cạnh đó, các nhà máy xi măng nên đàm phán và ký hợp đồng mua bán than với TKV trước khi xây dựng nhà máy hoặc ký hợp đồng mua dài hạn vì theo cân đối hiện nay thì từ năm 2015, Việt Nam dự kiến sẽ phải nhập khẩu than.

Lan Hương