Ngành viễn thông lãi cao nhất, ngành điện lãi âm
(Dân trí) - Theo Vietnam Report, khi bỏ ra 10 đồng vốn thì viễn thông là ngành có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, các doanh nghiệp thu được tới hơn 4,6 đồng lãi, bất động sản thu chỉ được 1 đồng lãi, trong khi doanh nghiệp ngành điện năm 2012 có tỷ suất lợi nhuận âm…
Doanh nghiệp nhà nước thu lãi chưa bằng một nửa doanh nghiệp FDI
Căn cứ vào bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2012 (VNR500), các doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong cộng đồng doanh nghiệp VNR500.
Cứ 10 đồng vốn bỏ ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu lại 3,9 đồng lãi, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước chỉ thu được 1,6 đồng và doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ thu được hơn 1,5 đồng. Còn số doanh nghiệp chịu lỗ chỉ chiếm chưa đầy 2% bảng VNR500.
Lãi cao luôn là lợi thế của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ngoài những lợi thế khác từ phía chính sách của Chính phủ, không thể phủ nhận các doanh nghiệp này có thể kiểm soát tốt chi phí.
Xét về lĩnh vực ngành nghề, các ngành có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất phải kể đến ngành Viễn thông, ngành Hóa chất, ngành Cơ khí, và ngành Nông Lâm Nghiệp.
Trong đó, các doanh nghiệp ngành Viễn thông thu được tới hơn 4,6 đồng lãi khi bỏ ra 10 đồng vốn, ngành Hóa chất thu được 3,7 đồng, ngành Cơ khí và Nông lâm nghiệp đều thu được hơn 2,7 đồng. Đây cũng là những con số rất khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trái ngược với tình hình ăn nên làm ra của các ngành trên, các doanh nghiệp ngành điện trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 có tỷ suất lợi nhuận âm do chi phí tăng cao hơn doanh thu.
Trong khi đó, ngành Vận tải bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ hơn 7% so với số vốn bỏ ra. Ngành Xây dựng – BĐS, ngành Giấy- Xuất bản, và ngành Thép cũng chỉ thu lại hơn 1 đồng lãi với 10 đồng vốn chi ra.
40% doanh nghiệp VNR500 vay nợ từ 70% tài sản của doanh nghiệp
Trong khi lãi suất ngân hàng rất cao do căng thẳng thanh khoản trong ngân hàng trong suốt năm 2011, nguy cơ phá sản do vay nợ quá nhiều là phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Theo nhận định của chuyên gia Vietnam Report, thực tế trong năm 2012 đã có hàng nghìn doanh nghiệp vỡ nợ và tỷ lệ nợ xấu thực tế trong hệ thống ngân hàng có lúc đã lên tới gần 12%.
Trong khối doanh nghiệp VNR500 cho thấy, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ vay nợ an toàn nhất với hệ số nợ/ tài sản chỉ khoảng 40% và nợ/ vốn chủ sở hữu (CSH) chỉ khoảng 90%. Tức là trong trường hợp làm ăn khó khăn không có lãi, các doanh nghiệp này vẫn hoàn toàn có thể trả nợ với số vốn mà mình có và chỉ với 1 nửa số tài sản.
Trong khi đó, các hệ số này ở doanh nghiệp Nhà nước là 70% và 0,36%; ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 80% và 0,06%. Như vậy, nếu thực tiễn tốt nhất là hệ số nợ /tài sản là 60% (Tổng tài sản có 100 thì vốn vay là 60) thì các doanh nghiệp này đều rơi vào ngưỡng rủi ro vỡ nợ cao. Chưa kể, số vốn vay còn gấp nhiều lần số vốn tự có của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, trong khi nguồn cầu còn hạn chế làm giảm khả năng quay vòng vốn và trả lãi của doanh nghiệp, các doanh nghiệp hhà nước và ngoài nhà nước thực sự nên cẩn trọng hơn và cần học hỏi nhiều hơn từ phía khu vực FDI để kiểm soát chi phí tốt hơn nhằm giảm thiểu số vốn cần thiết và hạ thấp rủi ro vỡ nợ để đứng vững trong bão cho tới khi nền kinh tế phục hồi.
Thống kê cho thấy, có hơn 40% doanh nghiệp thuộc bảng VNR500 2012 nằm ở mức hệ số nợ trên 70% tài sản của doanh nghiệp.
Lan Hương