Ngành ngân hàng tăng cường hướng ngoại

Trong bản Đề án triển khai chương trình hành động hợp tác với EU trong lĩnh vực ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ, cả bốn ngân hàng thương mại quốc doanh đều đang xúc tiến việc mở văn phòng đại diện tại EU.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang xúc tiến việc mở văn phòng đại diện và thiết lập chi nhánh tại thị trường EU, nhằm không quá phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ như hiện nay. Đồng thời, để tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài cho các dự án lớn trong nước.

Trước mắt, Vietcombank sẽ triển khai hợp tác về chuyển tiền kiều hối với các ngân hàng EU, nơi có nhiều Việt kiều làm ăn sinh sống như Pháp, Đức; cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước này.

Vietcombank cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét việc ký các hiệp định tín dụng khung với các nước và các ngân hàng thuộc EU, sau đó phân bổ lại cho các ngân hàng thương mại trong nước cho vay tới doanh nghiệp.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết họ cũng đang nghiên cứu việc đăng ký thương hiệu tại EU, mở văn phòng đại diện và mở công ty kiều hối tại thị trường này. 

BIDV cũng có một vài kế hoạch hợp tác với EU trong nghiên cứu và triển khai các sản phẩm dịch vụ phi ngân hàng và ngân hàng; các ẩn phẩm dịch vụ phái sinh như tài trợ thương mại, dịch vụ thẻ, nghiệp vụ ngân hàng điện tử, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Ngân hàng này dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU thông qua thiết lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu và Quy chế tài trợ xuất khẩu.

Ngân hàng Công thương (Incombank) đang nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại những nước EU có tiềm năng giao lưu thương mại với Việt Nam. Trong mục tiêu của mình, Incombank cũng đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kiều hối với mục tiêu "đảm bảo mỗi nước EU có ít nhất 1 hợp đồng hợp tác về chuyển tiền kiều hối, trước hết ở những nước có đông người Việt Nam như Đức, Pháp, Anh, Séc...".

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) dự kiến thành lập Ban Tín dụng - Xuất khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm tại châu Âu. Agribank cũng xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU các mặt hàng nông sản, khoáng sản, tiêu dùng và xúc tiến việc mở văn phòng đại diện tại một số nước thành viên EU.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thiết lập các chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại EU sẽ cho phép ngân hàng Việt Nam thu hút thêm được một cộng đồng lớn người Việt làm ăn sinh sống tại Liên minh châu Âu.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định lạc quan về mối quan hệ giữa các ngân hàng Việt Nam và EU. Hiện, các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có quan hệ với hầu hết các ngân hàng EU thông qua việc duy trì tài khoản bằng đồng euro, USD và một số ngoại tệ mạnh.

Giao dịch xuất nhập khẩu giữa hai bên đang tăng nhanh. Ngân hàng Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định tín dụng khung trung và dài hạn với các ngân hàng châu Âu để tài trợ nhập khẩu máy móc thiết bị cho khách hàng nhập khẩu Việt Nam từ các nước EU.

Tất cả các ngân hàng Việt Nam đều nghiên cứu để có được tỷ lệ hợp lý của đồng euro và một số đồng tiền châu Âu khác trong thanh toán, dự trữ ngoại tệ, chuẩn bị cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU thời gian tới.

Theo VnEconomy/VietNamnet