Ngành ngân hàng: Cuộc đua lãi suất mới
(Dân trí) - Nhiều ngân hàng thương mại đang tăng lãi suất huy động VND trước "sức ép" của lãi suất USD và giá cả thị trường. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại đang có biểu hiện "chạy đua" huy động vốn đã đẩy lãi tiền gửi VND lên tới đỉnh 9%/năm khiến 4 anh cả quốc doanh "nóng mắt".
Vào mùa cạnh tranh nâng lãi suất
"Thông thường từ quý III hàng năm, hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu sôi động, lượng khách hàng đến vay vốn VPBank đang tăng từng ngày. Chúng tôi muốn có một nguồn vốn ổn định để đáp ứng nhu cầu của khách. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trên thị trường đang cao, không điều chỉnh lãi suất cho phù hợp thì cũng gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh", Tổng giám đốc VPBank Lê Đắc Sơn giải thích cho các quyết định tăng lãi suất của mình.
“Nếu như trước đây sự tin tưởng của người dân tập trung ở các ngân hàng quốc doanh, dù có lãi suất thấp hơn nhưng họ vẫn gửi tiền ở các ngân hàng này; thì nay, xu hướng lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất cao đang được thể hiện”. (Ông Lê Đắc Sơn tổng giám đốc VP Bank). |
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 0,76% - 0,78%/năm, cao hơn từ 0,06% - 0,08% so với giới hạn trần lãi suất thoả thuận. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 0,71% - 0,73%/tháng, cũng cao hơn từ 0,06% - 0,08% khung lãi suất thoả thuận dành cho khối NHTM cổ phần.
Không chỉ VP Bank, mà từ ngày 1/9/2005, lãi suất kỳ hạn tương tự của hầu hết các NHTM cổ phần trên địa bàn Hà Nội đều vượt ra ngoài giới hạn thoả thuận về lãi suất. Không chỉ NHTM cổ phần, mà lãi suất của nhiều NHTM nhà nước cũng đang ở mức khá cao.
Lãi suất huy động vốn nội tệ kỳ hạn 13 tháng trả lãi trước của NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN cũng đã lên tới 0,80%/tháng, tương đương 9,60%/năm, ngang với lãi suất của nhiều NHTM cổ phần và hiện đang dẫn đầu khối NHTM nhà nước.
Động thái của các "đàn em" buộc anh cả không thể ngồi im, dù trên đầu họ vẫn treo lơ lửng thỏa thuận bất thành văn về chuyện ghìm lãi suất huy động VND dưới mức 0,68%/tháng (tương đương 8,16%/năm). Ngoại trừ Công thương (ICB), các ngân hàng còn lại là Ngoại thương (VCB), Nông nghiệp (Agribank) và Đầu tư đều không còn dư địa để nâng lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng. Và trong lúc chưa thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận một mức trần mới, họ tìm cách lách.
Như vậy có thể thấy rằng, lãi suất là công cụ cạnh tranh chủ yếu trong huy động vốn và thoả thuận về lãi suất trong khuôn khổ Hiệp hội không có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường tiền tệ đang nóng lên hiện nay, nó hoàn toàn không có gì ràng buộc về pháp lý và quản lý.
Tuy nhiên, đánh giá về cạnh tranh huy động vốn bằng các biện pháp nói trên của các NHTM trên địa bàn, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội lại chỉ ra rằng, huy động vốn từ dân cư lại có xu hướng giảm trong 3 tháng gần đây. Đây cũng chính là lý do từ cuối tháng 8/2005, nhiều NHTM tiếp tục tăng lãi suất huy động vốn với hy vọng phục hồi lại tốc độ tăng vốn huy động trong tháng 9 và các tháng còn lại của năm 2005.
Giữa lúc các ngân hàng thương mại nóng lòng với cuộc đua marathon mới, Ngân hàng Nhà nước vẫn dứt khoát tuyên bố chưa đến lúc phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Lãi suất cơ bản VND tháng 9 tiếp tục được duy trì ở mức 7,80%/năm, vốn được ấn định từ tháng 2 năm nay.
Đến mức nào thì dừng?
Theo ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Tổng giám đốc VCB, Giám đốc chi nhánh TPHCM, những nguyên nhân chính khiến NH tăng lãi suất VND là lãi suất USD và giá cả thị trường đều tăng, mặt khác, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế đang rất cao.
Sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh, hiện nay lãi suất USD đã lên 3,75%/năm. Lãi suất USD trong nước tăng theo khiến người dân chuyển sang gửi tiết kiệm USD.
Về vật giá, từ năm 2004 đến nay nhiều mặt hàng tăng mạnh. NH khó thu hút được người dân gửi tiết kiệm khi lãi suất thực bị thu hẹp dần do trượt giá. Việc NH Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng khiến các NH thương mại phải tăng lãi suất huy động.
Theo nhận định của một số nhà quản lý NH thương mại, có nhiều khả năng lãi suất tiếp tục tăng. Dự báo từ nay đến cuối năm, FED sẽ còn tăng lãi suất USD.
Huy động vốn tại TPHCM tăng thấp
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, dù các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tăng lãi suất huy động, nhưng lượng vốn huy động trong 9 tháng chỉ tăng 23,1%, trong khi mức cho vay tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. |
Thanh Ngọc