An Giang:

Ngành hàng cá tra cần tập trung phát triển thị trường trong nước

(Dân trí) - Chiều 7/5, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2019.

Hội nghị còn đưa ra một số định hướng, giải pháp phát triển cá tra trong thời gian tới; nhất là trong bối cảnh ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Năm 2020, ngành cá tra… nhiều con số giảm

Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam. Qua số liệu thống kê cho thấy, diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777 ha, giảm 5,7 % so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602 ha, giảm 20,8 % so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng đạt gần 180 ngàn tấn, giảm 23,6 % so với cùng kỳ năm 2019. 

Những tháng đầu 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh.

Ngành hàng cá tra cần tập trung phát triển thị trường trong nước - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác tham quan mô hình sản xuất cá tra công nghệ cao tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%. Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu. Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 334 triệu USD, giảm 29,3 % so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, các đại biểu dự hội nghị cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu cả tra của Việt Nam năm nay sẽ giảm nhiều so với năm 2019; các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc…không thể phục hồi ngay sau khi hết dịch. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay đã có tín hiệu khôi phục trở lại, tuy nhiên đây là thị trường không ổn định, rủi ro cao, mặc dù thị trường này chiếm hơn 30% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành hàng cá tra cần tập trung phát triển thị trường trong nước - 2

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, những tháng đầu năm 2020, ngành cá tra gặp khó

Để ngành cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho rằng, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện. Ông Dương Nghĩa Quốc lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống; khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Bên cạnh đó, Chúng ta cần tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao.

Tập trung phát triển thị trường trong nước

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững đúng với tên tuổi, thương hiệu cá tra Việt Nam đã xây dựng, vai trò của các hiệp, hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước là rất quan trọng.

Ngành hàng cá tra cần tập trung phát triển thị trường trong nước - 3

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và các DN nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, thời gian tới, dịch Covid 19 sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là vấn đề nguồn vốn; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường như: Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, ASEAN…

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các hiệp, hội đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước, qua đó giảm sự  bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu.

Ngành hàng cá tra cần tập trung phát triển thị trường trong nước - 4

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát hiểu tại hội nghị.

Trước đó, sáng 7/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình trồng bưởi da xanh xuất khẩu của nông dân Nguyễn Quốc Hùng tại xã Vọng Thê, Thoại Sơn; trang trại chuối cấy mô của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Xanh Việt tại xã Tân Tuyến, Tri Tôn và khảo sát Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú.

Tại các nơi đến, sau khi tìm hiểu phương thức tổ chức sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cùng với ngành và cả nước thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Minh Anh