Ngành Hải quan bị “xù” nợ thuế tiền tỷ

Theo Cục Hải quan TP Hà Nội, công ty Cổ phần du lịch khách sạn Ponagar (số 206 đường 2/4 Vĩnh Phước, Nha Trang) tính từ năm 2002 trở về trước còn nợ gần 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ đó đến nay không thay đổi, còn công ty bị liệt vào danh sách doanh nghiệp không xác định địa chỉ của Cục Hải quan TP Hà Nội.

Trong danh sách doanh nghiệp “mất tích” của Hải quan Hà Nội, có hai “con nợ” trên 1 tỷ đồng nữa. Đó là công ty TNHH TM&XNK Chiến Thắng (Đội 7, thôn Vàng, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) nợ hơn 1,5 tỷ đồng và công ty TNHH Đầu tư & XNK Anh Minh (Đội 10, thôn Hội, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) nợ hơn 2,5 tỷ đồng.

 

Số “con nợ” tiền tỷ của Hải quan Hải Phòng mất tích hiện nay còn 3 trường hợp. Công ty TNHH Hồng Minh nợ hơn 2,4 tỷ đồng; công ty TNHH thương mại Nam Ngộc nợ hơn 1,3 tỷ đồng và công ty Thăng Long nợ hơn 1,9 tỷ đồng.

 

Hầu hết các cục Hải quan đều “dính” phải những “con nợ” mất tích. Số “con nợ” từ hơn 900 triệu đồng trở xuống không phải ít. Ông Lê Thanh Đức, Vụ Phó Vụ Kiểm tra thu thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, số nợ thuế, nợ phạt do ngành quản lý tính đến hết tháng 9/2005 chiếm khoảng 5%-6% của 46.000 tỷ đồng chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Tức là hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn số thu ngân sách của một tỉnh nghèo. Trong đó, nợ xấu (nợ thuế do thua lỗ không có khả năng thanh toán, nợ của doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp không có địa chỉ) chiếm khoảng 19% tổng số nợ thuế, nợ phạt kinh doanh hàng XNK.

 

Nguyên nhân nợ được phía cơ quan hải quan giải thích, trước hết là tại cơ chế. Luật Xuất, nhập khẩu cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế một thời gian, còn gọi là ân hạn, tuỳ theo hàng hoá, tính chất xuất, nhập khẩu mà không kèm theo bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.

 

Thậm chí, Luật Thuế XNK sửa đổi bổ sung có quy định doanh nghiệp nợ thuế quá hạn còn được phép làm thủ tục thêm 90 ngày mới bị cưỡng chế làm thủ tục nhập khẩu. Điều này, ông Đức nói, sẽ dẫn đến số nợ thuế tăng lên.

 

Ân hạn thuế là một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về vốn kinh doanh. Có điều, cơ quan quản lý lại thiếu những biện pháp cứng rắn xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ì, chiếm đoạt tiền thuế. Chẳng hạn chỉ việc kê biên tài sản, cơ quan hải quan lúng túng vì thiếu hướng dẫn chi tiết: ai tham gia hội đồng thu giữ, kê biên tài sản, quản lý và xử lý tài sản thu giữ…

 

Hiện tại có khoảng 51.900 doanh nghiệp đăng ký mã số xuất nhập khẩu, nhưng chỉ có 21.600 doanh nghiệp có hoạt động XNK thường xuyên. Có khoảng 7% trong số 21.600 doanh nghiệp XNK còn nợ thuế.

 

Luật Thuế Xuất, nhập khẩu sửa đổi, bổ sung đã quy định chặt hơn về ân hạn thuế. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều đó có chặn đứng được tình trạng có doanh nghiệp ôm nợ thuế hàng tỷ đồng rồi biến mất?

 

Theo Bảo Thạch
Báo Bưu điện