Ngành du lịch, dịch vụ ăn uống "bay" hơn 16.600 tỷ đồng vì Covid-19

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngành du lịch, lữ hành và dịch vụ ăn uống mất tổng cộng gần 16.600 tỷ đồng vì dịch bệnh Covid-19 hành hoành 3 tháng qua.

Hết tháng 3, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 126.200 tỷ đồng, giảm hơn 13.440 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 9,6% doanh thu.

Ngành du lịch, dịch vụ ăn uống bay hơn 16.600 tỷ đồng vì Covid-19 - 1

Covid-19 gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành du lịch, dịch vụ ăn uống

Ngành du lịch, lữ hành có doanh thu giảm mạnh nhất, quý 1 chỉ đạt 7.800 tỷ đồng, giảm 3.141 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, mức giảm hơn 27,8%.

Tổng doanh thu của ngành du lịch, lữ hành, dịch vụ ăn uống bị suy giảm gần 16.600 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm diễn ra dịch bệnh Covid-19, tương đương mỗi tháng, các doanh nghiệp nhóm ngành này mất doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, mỗi ngày mất khoảng 184 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý 1/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý 1/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km, giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).

Vận tải hàng hóa đạt 435,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%) và luân chuyển 84,4 tỷ tấn.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%).

Về tăng trưởng quý 1, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam ghi nhận tăng trưởng giảm, chỉ đạt 3,82%, số doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh này gia tăng gần 35.000 doanh nghiệp, trong đó có 4.100 doanh nghiệp phá sản, hơn 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 khả quan hơn quý 1.

Quý 1, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký.

An Linh