Ngành điện phía Nam nêu 52 ý kiến đến đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 6
(Dân trí) - Trước kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV, 21 công ty điện lực thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam đã chủ động gặp gỡ các đoàn đại biểu quốc hội và nêu 52 ý kiến khó khăn, vướng mắc của ngành điện.
Tại tỉnh Bình Phước, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh do Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Điểu Huỳnh Sang làm trưởng đoàn, đã làm việc với Công ty điện lực Bình Phước để nghe báo cáo tình hình cung ứng điện trên địa bàn tỉnh và những khó khăn vướng mắc trong cung ứng điện, đầu tư xây dựng.
Công ty Điện lực Bình Phước đề nghị sớm được tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển điện lưới; tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện các công trình trọng điểm.
Tại tỉnh Bến Tre, chiều ngày 10/10, đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Bến Tre.
Để thuận lợi trong việc triển khai các công trình điện, Công ty Điện lực Bến Tre kiến nghị đoàn đại biểu quốc hội tỉnh trình Chính phủ xem xét Điều 23 Nghị định số 11 chỉ áp dụng cho lưới điện cấp điện áp từ 110kV trở lên, không áp dụng cho lưới trung hạ thế do khó khăn vận động, thuyết phục người dân để dựng trụ điện trung hạ thế để cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công ty Điện lực Bến Tre đang triển khai 32 công trình lưới điện trung hạ thế, trong đó có đến 25 công trình, với 3.289 vị trí trụ cần phải xin giấy phép thi công với ngành giao thông vận tải.
Tại tỉnh Ninh Thuận, ngày 11/10, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh có buổi làm việc với Công ty điện lực Ninh Thuận để lắng nghe các kiến nghị của ngành trước kỳ họp.
Tại tỉnh An Giang, chiều ngày 13/10, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chủ trì buổi làm việc với đại diện Công ty điện lực An Giang để nắm tình hình sản xuất kinh doanh, cung ứng điện năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty điện lực An Giang cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến ngành điện như thay đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng; di dời vị trí một số công trình điện được hợp lý, an toàn; đầu tư thêm hệ thống điện tại một số địa phương…
Tại tỉnh Sóc Trăng, chiều ngày 16/10, tại Văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Sóc Trăng, có buổi làm việc với ban giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng.
Công ty Điện lực Sóc Trăng kiến nghị về chi phí di dời hạ tầng thuộc các dự án đầu tư xây dựng, như đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng; dự án cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Công ty Điện lực Sóc Trăng kiến nghị đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tiếp tục hỗ trợ chỉ đạo trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong thời gian tới để việc triển khai dự án được thuận lợi, nhanh chóng.
Công ty Điện lực Bình Dương đã có văn bản số 5076 ngày 9/10 báo cáo phân tích việc xác định trách nhiệm di dời lưới điện, thuộc các dự án hạ tầng giao thông và cho rằng đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh Bình Dương có thể đưa nội dung này ra nghị trường để thảo luận trong kỳ họp.
Tính đến nay, 21 công ty điện lực đã trực tiếp báo cáo, tham gia tiếp xúc cử tri cùng các đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tại khu vực 21 tỉnh phía Nam, trong đó, ghi nhận 52 ý kiến của cử tri, gồm Bình Phước (9), Long An (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (3), Kiên Giang (6), Bà Rịa-Vũng Tàu (2), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (3), Bạc Liêu (4) Đồng Nai (3).
Nội dung các ý kiến gồm hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện, cấp điện khu vực nông thôn, vùng sâu/xa, thu hồi đất làm công trình điện (24 ý kiến); nâng cấp cải tạo lưới điện, di dời trụ điện (4 ý kiến); an toàn điện, bảo hiểm tai nạn điện (6 ý kiến); giá điện/kinh doanh lỗ của ngành điện, thanh tra EVN (11 ý kiến); lắp đặt năng lượng mặt trời (2 ý kiến); công tác dịch vụ khách hàng (5 ý kiến gồm thay đổi lịch ghi chỉ số, thay công tơ điện tử, thanh toán tiền điện, thông báo tiền điện).