1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngành điện nói về quyết định tăng giá 5%

(Dân trí) - Áp lực từ việc tăng giá than, khoản nợ nần trên 3.000 tỷ đồng với PV Gas cùng nhu cầu vốn hàng nghìn tỷ để thực hiện cải tạo điện lưới nông thôn là những lý do khiến Bộ Công thương đã chấp thuận cho EVN tăng giá điện 5% ngày 1/8.

Ngày 31/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. 

Theo đó, giá điện bình quân sẽ được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đồng/kWh, tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng. Đây là lần đầu tiên trong năm 2013, Bộ Công Thương cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 22/12/2012.

Ngành điện nói về quyết định tăng giá 5%
EVN phải cân đối khoảng 130.000 tỷ đồng hàng năm để đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện mới.
 
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, áp lực từ việc tăng các chi phí đầu vào trong sản xuất điện của EVN là rất lớn.

Cụ thể, từ ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện đã tăng từ 37 – 40% và tiếp tục áp lực tăng giá than bán cho điện trong quý III/2013 sẽ làm tăng chi phí mà EVN mua điện từ các nhà máy điện chạy than khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý III/2013.

Thứ 2, EVN đang nợ Tổng công ty Khí quốc gia (PV Gas) trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền khí phải trả vượt trên bao tiêu giai đoạn 2009 - 2012.

Thứ 3, EVN cần đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện cải tạo lưới điện nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và một số yếu tố khác.

Ông Cường cho biết, chính yếu tố này sẽ cần thiết phải điều chỉnh giá điện cho EVN từ 1/8 để EVN bù đắp một phần chi phí tăng thêm cũng như để EVN cải thiện tình hình tài chính nhằm huy động một lượng vốn để đầu tư từ bây giờ đến năm 2020. 

Theo tính toán, EVN phải cân đối khoảng 130.000 tỷ đồng hàng năm để đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện mới. Ngoài ra, giá điện được điều chỉnh cũng tạo điều kiện để thu hút các thành phần khác đầu tư vào các công trình nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện.

Đại diện Cục Điều tiết Điên lực khẳng đinh, việc điều chỉnh giá điện 5% từ 1/8/2013 đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc rất kỹ để giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô cũng như đến sinh hoạt của người dân. Qua việc điều chỉnh giá điện lần này tạo điều kiện để EVN bù đắp 1 phần chi phí đã nêu ở trên.

Ông Cường cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là chủ trương nhất quán trong những năm vừa qua và những năm tới. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường tức là tất cả các chi phí đầu vào phải được tính đúng, tính đủ để tạo ra giá bán điện cuối cùng cho người sử dụng điện. 

"Tuy nhiên, ở đây chúng tôi khẳng định việc quản lý các chi phí đầu vào là rất quan trọng bởi nếu chúng ta quản lý tốt chi phí đầu vào trong việc sản xuất kinh doanh điện thì sẽ giảm áp lực tăng giá điện trong tương lai" - ông Cường nói.

Theo nhận định của giới phân tích, việc tăng giá điện lần này cũng như các động thái điều chỉnh giá tại những mặt hàng như xăng dầu và gas trước đó sẽ khiến CPI tháng 8 tăng cao hơn nhiều so với tháng 7.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định (trước thời điểm tăng giá điện), việc điều chỉnh giá điện sẽ làm CPI trong tháng 8 tăng 0,2% và tiếp tục ảnh hưởng CPI tháng 9 cũng sẽ tăng thêm 0,2%. Còn Chứng khoán HSC đánh giá, lần tăng giá điện này sẽ trực tiếp cộng thêm vào tốc độ tăng CPI theo tháng của tháng 8 là 0,12% và gián tiếp cộng thêm 0,3% vào 2 tháng sau đó.

Chứng khoán FPT lại cho rằng, diễn biến giá điện tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép, xi măng, thuỷ sản... vào những tháng tới, triển vọng kinh doanh ở những tháng còn lại của năm có thể sẽ bị sụt giảm do chi phí giá đầu vào chắc chắn nâng lên.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên 1/8 (thời điểm thị trường nhận được thông tin chính thức về việc tăng giá điện), nhiều cổ phiếu trong ngành này đã tăng giá: Có thể kể đến mã KHP của CTCP Điện lực Khánh Hoà tăng 2,4%; PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại tăng 1,7%; RHC của CTCP Thuỷ điện Ry Ninh II tăng 4,3%; TBC của CTCP Thuỷ điện Thác Bà tăng 2,6%; TIC của CTCP Đầu tư Điện Tây Nguyên tăng 2,2%; TMP của CTCP Thuỷ điện Thác Mơ tăng 4% và VSH của CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tăng 0,7%.

Bích Diệp