Ngành Điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương

(Dân trí) - Những ngày đầu tháng Sáu, tới thăm xã Phìn Ngan, một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa và là vùng biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đến Phìn Ngan người ta dễ có cảm giác ngỡ ngàng khi thấy ánh điện được thắp sáng tại các thôn bản, những máy móc phục vụ nông nghiệp của người dân chạy ro ro ngày đêm không nghỉ.

Gian khó khi mang ánh sáng điện về vùng biên

Dù đã nhiều lần đi cùng những người thợ điện áo cam tới các thôn bản vùng cao, nhưng hiếm có chuyến đi nào lại được chúng tôi đón chờ và chuẩn bị lên đường với một tâm trạng háo hức, bồn chồn như lần này. Sáng tinh mơ ngày 05/6/2019, chúng tôi bắt đầu lên xe khi mà thành phố Lào Cai vẫn còn đang ngái ngủ. Chiếc xe 16 chỗ chở các nhà báo nhanh chóng theo sát đoàn xe của những người công nhân Điện lực Bát Xát với đầy đủ dụng cụ, thiết bị, vật tư và máy biến áp đi thực hiện nhiệm vụ nâng công suất TBA từ 31 kVA lên 100 kVA tại địa bàn thôn Sùng Vui, xã Phìn Ngan.

Ngành Điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương - 1

Hành trình kéo điện lên vùng cao của người thợ điện Lào Cai tới xã Phìn Ngan.

Vượt qua đoạn đường hơn 30 km từ trung tâm thị trấn huyện Bát Xát tới Phìn Ngan, tôi cảm nhận được đầy đủ sự hiểm trở, gập ghềnh của những cung đường đồi núi. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là bờ vực chênh vênh với nhiều đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua. Nhiều đoạn vướng "ổ voi, ổ gà", đá lởm chởm, dốc dựng đứng trơn tuột, nhiều chỗ có cây rừng ngã đổ chắn ngang đường khiến chúng tôi phải luôn hỗ trợ nhau mới có thể cùng vượt qua được.

Anh Nguyễn Lý Lăng - Đội trưởng Đội Quản lý Tổng hợp số 1, Điện lực Bát Xát, Công ty Điện lực Lào Cai chia sẻ: "Vào mùa nắng nóng, đường núi thế này vẫn là dễ đi vì còn có thể sử dụng phương tiện để di chuyển. Gian khổ nhất là khi vào mùa mưa bão, với địa hình hiểm trở, bão quật đổ cây cối và sạt lở đất bất cứ lúc nào. Những lúc như thế, anh em trong Đội buộc phải đi bộ, mang theo bánh mì, cơm nắm và nước uống vì quanh Phìn Ngan không có quán xá gì, thậm chí nhà dân dọc tuyến đường cũng không có. Chỉ 30 km đường thôi, nhưng nhiều khi anh em phải đi mất cả ngày mới vào tới nơi. Gian khổ là thế, nhưng bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay băng giá và cả khi trời mưa bão, bất cứ lúc nào bà con nơi vùng núi này gọi báo sự cố về điện thì Đội Quản lý Tổng hợp số 1, thuộc Điện lực Bát Xát sẽ ngay lập tức lên đường để sửa chữa điện một cách nhanh nhất".

Kể thêm về những ngày đầu gian khó khi ngành Điện Lào Cai đưa lưới điện quốc gia về các thôn bản thuộc xã Phìn Ngan, anh Nguyễn Lý Lăng bồi hồi nhớ lại: "Giai đoạn trước 2007, đường vào các thôn bản thuộc Phìn Ngan cực kỳ khó khăn nên Điện lực Bát Xát không thể đưa máy móc và phương tiện vào sâu trong địa bàn. Toàn bộ nguyên vật liệu phục vụ cho thi công và vật tư, trang thiết bị của ngành Điện đều phải khiêng vác theo cách thủ công nhất. Ngày ngày, bất kể mưa rừng hay nắng nóng, hàng trăm công nhân ngành Điện cùng những người dân tộc Dao tại địa phương cứ lầm lũi, gùi trên lưng từng địu cát, sỏi, xi măng và dùng tời để kéo cột điện vào từng thôn bản. Chỉ bằng cách thô sơ thế thôi mà tổng cộng đã có gần một nghìn cột điện lớn nhỏ và hàng trăm tấn nguyên vật liệu đã băng qua rừng có mặt tại các vị trí cần phải dựng cột".

Ngành Điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương - 2
Ngành Điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương - 3

Nhiều đoạn đường xấu, công nhân Điện lực Bát Xát đi bộ vào thôn Sùng Vui, để sửa chữa sự cố lưới điện

Vận chuyển đã khó nhưng thi công lại còn gian nan hơn nhiều. Toàn bộ từ khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông, kéo cột và dây điện về nhà dân đều được thực hiện bằng sức người. Đặc biệt, có thời điểm dựng cột vào mùa khô nên nước lại càng khan hiếm, anh em công nhân buộc phải đi tìm đến các khe suối, hứng từng phuy nước về đổ bê tông và dùng cho sinh hoạt. Cuối năm 2007, khi các thôn bản của Phìn Ngan được đóng điện quốc gia, những người trực tiếp tham gia thi công mới dám tin vào sự thành công của con đường mang ánh điện tới các thôn bản xa xôi này. Có điện lưới quốc gia - điều mà trước đây bất cứ người dân nào cũng chỉ nghĩ đó là một giấc mơ khó trở thành hiện thực.

Cuộc sống người dân khởi sắc khi có điện

Xã Phìn Ngan hiện có trên 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu, trong đó, 100% người dân là người dân tộc Dao. Ngày điện về với các thôn bản, tất cả người dân trong xã như vỡ òa trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực. Điện không những làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà đã mở ra biết bao hy vọng, xóa đi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám biết bao thế thế hệ người dân nơi đây. Ông Tẩn Duần Tị, thôn Sùng Vui nhớ lại: "Trước đây, khi chưa có điện, người dân chúng tôi không biết xem tivi là gì, thiếu thông tin lắm. Đêm đến, ánh sáng không có nên con cái cũng không học hành gì được. Từ ngày có điện lưới quốc gia về thôn, tôi và bà con nơi đây vui sướng lắm. Nhà nào cũng có điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và có tiếng tivi râm ran trong nhà để nắm bắt thêm thông tin".

Ngành Điện Lào Cai thắp sáng vùng biên cương - 4

Còn chị Tẩn Khờ Mẩy, thôn Sải Duần hồ hởi chia sẻ: "Từ khi có điện, gia đình tôi đã cố gắng mua một máy xay xát để phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi. Có máy xay xát, gia đình đã giảm được nhiều sức lao động. Như trước đây, muốn xát gạo, xát ngô thì gia đình phải giã bằng tay, tốn rất nhiều công sức. Khi có máy xát điện rồi, nhà tôi đã nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm để bán và đã thoát được cái nghèo".

Điện về đã giúp Phìn Ngan "thay da đổi thịt". Ông Tần Láo Tả - Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan không giấu nổi niềm vui và cho biết: "Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng cao. Bà con được tiếp cận các thông tin truyền thông tốt hơn cũng như có điện phục vụ sản xuất. Có thể nói, từ lúc có điện lưới về, địa phương đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, sản xuất gạch không nung được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân".

Chia tay Phìn Ngan, chúng tôi hiểu rằng, để đưa được dòng điện về với bà con các dân tộc nơi đây thì những người thợ điện phải đối mặt với biết bao khó khăn, vất vả và nếu không có tình yêu nghề thực sự cũng như tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn không bám trụ được với công việc này. Đáng nói hơn, đó là từ câu chuyện đưa điện về vùng cao, càng thấy được trách nhiệm của ngành Điện với xã hội, với cộng đồng, điều mà bấy lâu nay không phải ai cũng hiểu được.

Tuấn Anh