1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngành Da giầy sẽ chịu thiệt hại nặng nề

(Dân trí) - Chiều qua (27/3), Hiệp hội da giầy Việt Nam (Lefaso) đã có buổi họp báo công bố ý kiến chính thức của Lefaso về việc EC áp dụng mức thuế sơ bộ đối với các loại giầy có mũ từ da của Việt Nam.

Theo đó, với việc EC công bố chính thức áp dụng mức thuế sơ bộ từ 7/4/2006 đối với mặt hàng giầy có mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU thì ngành Da giầy của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nặng nề do quyết định này gây ra.

Công ty giầy An Giang phải thu hẹp sản xuất, giảm số lao động từ 700 xuống chỉ còn 400 lao động; nhà máy giầy Phú Hà thuộc công ty giầy Phú Lâm cũng phải cho nghỉ việc 750 trên tổng số 1.950; 800 công nhân xí nghiệp giầy Phú Hải mất việc làm...

Trong khi đó, Công ty da giầy Hà Nội hiện đang thiếu đơn hàng trầm trọng, gần 900 lao động phải nghỉ chờ việc, nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Gia Thảo - Chủ tịch Lefaso cho biết, việc EC công bố chính thức áp dụng mức thuế sơ bộ từ 7/4/2006 đối với mặt hàng giầy có mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ gây những tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành da giầy - một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - nói riêng.

Hiện nay, ngành Da giầy thu hút hơn 500.000 lao động, trong đó trên 85% là lao động nữ. Ông Thảo nhấn mạnh: Việc áp thuế chống bán phá giá như công bố của EC sẽ đẩy ngành da giầy Việt Nam vào tình trạng khó khăn, sẽ làm cho khoảng 80.000 - 90.000 người lao động trong ngành và các ngành liên quan mất việc làm.

Trên thực tế, kể từ khi EC rục rịch áp thuế bán phá giá với da giầy Việt Nam, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của chúng ta đã bị ảnh hưởng mạnh, số đơn hàng giày có mũ từ da giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ năm 2004. Trong quý 4/2005, các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ chờ việc hoặc thu hẹp sản xuất.

Ông Nguyễn Gia Thảo cho biết thêm, từ đầu năm 2006 đến nay, tình hình lại càng khó khăn do phần lớn các khách hàng đều dừng chờ kết quả điều tra và mức thuế EC sẽ áp dụng đối với Việt Nam, nếu bất lợi như hiện nay họ sẽ rời bỏ Việt Nam và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới tại các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ...

Cũng theo ông Thảo, việc áp dụng mức thuế dự kiến còn làm tổn hại đến lợi ích của những người tham gia trực tiếp trong kênh phân phối, trong chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm như các nhà thiết kế, các thương nhân, các nhà cung ứng...và đặc biệt là lợi ích của người tiêu dùng tại 25 nước EU. Với mức thuế phá giá dự kiến cao như công bố của EC, mỗi đôi giầy da của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ tăng lên từ 1,5-2 Euro/đôi...

Được biết, một đoàn đàm phán do đích thân Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn đầu đã tới làm việc với đại diện EC để giúp EC hiểu hơn về quá trình sản xuất giầy của Việt Nam, từ đó hy vọng có những chuyển biến tích cực trong quyết định áp thuế chống phá giá với mặt hàng này.

Lịch trình áp thuế chống bán phá giá dự kiến của EU đối với da giầy Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam

Trung Quốc

Thời gian

Mức thuế

Thời gian

Mức thuế

07/4/2006

4,2 %

07/4/2006

4,8

02/6/2006

8,4 %

02/6/2006

9,7

14/7/2006

12,6 %

14/7/2006

14,5

15/9/2006

16,8 %

15/9/2006

19,4 (19,64)

 M. Hùng