Ngành bán lẻ lại lo sợ... “mất bò”

(Dân trí) - Bộ Thương mại vừa tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bán lẻ vào ngày 2/5 tại TPHCM. Vẫn một nỗi lo cũ thường trực trên gương mặt của nhiều nhà bán lẻ nội địa - nỗi lo sợ mất thị phần về tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo lộ trình, đầu năm 2009 sẽ bắt đầu giai đoạn thử thách của các nhà kinh doanh bán lẻ của Việt Nam, sau khi những cơ sở pháp lý cho phát triển thương mại quốc gia đã được Chính phủ ban hành. Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước rất lâu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho ngành rất nhiều ưu đãi nhưng sự lo ngại vẫn không khỏi vơi đi trong lòng những nhà bán lẻ thời gian qua.

Chỉ còn không đến hai năm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ thay vì phải xin phép hay liên doanh như hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài sốt sắng với thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngược lại, các nhà bán lẻ trong nước đang ngày càng căng thẳng, lo lắng trước nguy cơ bị tranh giành mấy thị phần “béo bở” tại đây.

Thực ra, nỗi lo của các nhà bán lẻ nội địa xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà theo như Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho rằng sự lo lắng xuất phát từ phần lớn những nhà bán lẻ trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, kỹ thuật và kinh nghiệm kinh doanh hạn chế trước những đại gia tầm cỡ quốc tế đang dòm ngó thị trường Việt Nam. Ông cho rằng Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn để tạo sự tự chủ của doanh nghiệp.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, đang sở hữu thương hiệu Co.opMart - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đã cụ thể hóa những lo lắng đó bằng việc đưa ra hàng loạt những khó khăn mà các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối đầu. Trước hết đó là đất đai, vấn đề lớn của các trung tâm thương mại nơi đòi hỏi khu vực rộng lớn và gần dân cư trong khi quỹ hạn chế và không tập trung.

Bà Nghĩa cho biết Saigon Co.op có ý tưởng giải quyết vấn đề đất đai bằng cách tận dụng các khu chợ, hình thành các trung tâm thương mại bên cạnh nhưng không được ủng hộ từ các tiểu thương kinh doanh tại các khu chợ. Bà cũng bức xúc về việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở bởi lẽ không có chính sách nào hỗ trợ hay ưu đãi cho các nhà đầu tư từ phía Chính phủ.

Còn ông Huỳnh Văn Minh thì quan tâm đến vấn đề cơ chế chủ động vốn đang là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của Tổng công ty này. Một trong những chiến lược phát triển được các nhà bán lẻ trong nước cùng nhau triển khai thực hiện, đó là hình thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Kế hoạch này do bốn nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam thực hiện với tên gọi là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA).

VDA sẽ thay mặt Saigon Co.op, Satra, Phú Thái và Hapro xây dựng những tổng kho hàng hóa tại các khu vực trong cả nước làm nơi tiếp hàng cho các mạng lưới phân phối của nhau, nơi thu mua hàng hóa phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và tiếp theo là xây dựng các đại siêu thị.

Ông Phạm Đình Đoàn, Giám đốc tập đoàn Phú Thái Group cho rằng, sự hợp tác này mang tính chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp này nhằm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng kinh doanh.

Ngoài ra, Phú Thái, Hapro… cũng chuẩn bị tiến hành việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK  nhằm tạo thêm một kênh huy động vốn chính thức. Saigon Co.op cũng vừa thành lập 2 công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư siêu thị, cũng là cách để nhà bán lẻ này tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ e ngại vẫn là chất lượng nguồn nhân lực trong ngành hiện tại quá yếu kém, già nua, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm điều hành có từ thời các HTX mua bán còn tồn tại. Ngoài ra, tình trạng gửi gắm con em trong ngành vào các vị trí quan trọng trong một thời gian dài trong ngành thương mại thành phố đã làm mất cân đối, chênh lệch trình độ giữa cấp quản lý với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên… cũng là một căn bệnh đau đầu trầm kha của các doanh nghiệp bán lẻ.

Nhựt Lê