Ngân sách không đủ tăng lương, lấy tiền đâu xử lý nợ xấu?

(Dân trí) - Dù thu ngân sách vượt dự toán khoảng 9%, nhưng vẫn không thể bố trí được nguồn tiền dành cho tăng lương. Trong khi đó xuất hiện ý kiến dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, vậy tiền lấy ở đâu?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2014 chiều 9/10, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2014 đạt kết quả khả quan.

Theo bà Mai, “với tình hình thu như hiện nay, thu ngân sách 2014 sẽ hoàn thành và vượt dự toán đề ra khoảng 9%”. Nhưng cũng theo đại diện Bộ Tài chính, ngân sách vẫn không thể bố trí được nguồn tiền dành cho tăng lương. Trong đó, một phần ngân sách vượt thu sẽ được dành một để trả nợ. Những năm gần đây, nợ công tăng, nên nguồn ngân sách dành trả nợ cũng tăng.

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu do Tạp chí The Economist công bố, tính đến thời điểm 9h30 sáng 1/10/2014, tổng nợ công của Việt Nam xấp xỉ 84,32 tỷ USD, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Và với dân số 90,96 triệu người, mỗi người dân Việt Nam hiện đang phải “gánh” 930,43 USD nợ công.

Như vậy, sau 1 năm, nợ công trên đầu người của Việt Nam đã tăng thêm 83,77 USD (gần 1,8 triệu đồng), tăng xấp xỉ 9,9%.

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận ngân hàng.
Nợ xấu "ăn mòn" lợi nhuận ngân hàng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế hiện xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu là 4,11% (tổ chức tín dụng tự báo cáo) thì số nợ xấu tương ứng với 123,3 nghìn tỷ đồng; còn nếu tỷ lệ nợ xấu là 8% (theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước), con số trên là 240 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, nếu xét về con số tuyệt đối thì hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, xử lý qua bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 86 nghìn tỷ đồng và phần còn lại từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7/2014, các tổ chức tín dụng đã trích lập được thêm 78 nghìn tỷ đồng và nguồn này sẽ được sử dụng để tiếp tục xử lý nợ xấu vào cuối năm.

Theo đánh giá của GS.Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các cộng sự, nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2011-2013 là giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc vì Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) không thể bán hoặc xử lý được nợ xấu đã mua.

“Thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, GS.Đạt nhận định. Theo báo cáo của VAMC, tính đến hết tháng 8/2014, công ty đã mua được 59.511 tỷ đồng nợ gốc từ 35 tổ chức tín dụng. Tuy vậy, cho đến nay VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào.

“Với cơ chế như hiện nay, sau khi mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện ủy quyền thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, có thể khẳng định việc cơ cấu tài chính của các tổ chức tín dụng thông qua xử lý thu hồi nợ xấu vẫn đang trong tình trạng bế tắc trong khi áp lực gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng ngày càng lớn”, GS.Đạt nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, nợ xấu ngày càng khó xác định và đến nay, vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Ðề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu, tuy nhiên mục tiêu này khó có thể thực hiện được. Bởi lẽ đến nay mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.

Ðáng chú ý, theo ông Ngô Trí Long, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ theo hướng giãn, hoãn kỳ hạn nợ để tránh áp lực nợ bị "nhảy nhóm", không ít đơn vị đã lạm dụng quá mức chính sách này để tránh áp lực về số liệu nợ xấu. Điều này dẫn đến nợ xấu không được phản ánh thực chất và không trích lập đủ mức cần thiết.

Trong bối cảnh nợ công tăng, ngân sách vượt thu vẫn không đủ nguồn để tăng lương, thị trường lại xuất hiện đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu. Tại sao đến thời điểm này, câu chuyện sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu lại được đặt ra?

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải hiểu tính chất nợ xấu của Việt Nam, đó chủ yếu là nợ của doanh nghiệp nhà nước.

“Do chủ nợ và con nợ đều là Nhà nước nên việc lấy tiền ngân sách để xóa nợ là rất dễ. Nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền? Đến việc chi mấy chục tỷ ra để cải cách tiền lương cho năm 2015 còn không bố trí được thì lấy đâu ra mấy trăm tỷ để xử lý nợ xấu?”, một chuyên gia đặt câu hỏi.

Giới chuyên gia còn cho rằng, do nợ xấu tập trung nhiều ở doanh nghiệp Nhà nước, nếu Nhà nước có thể khoanh nợ và giãn nợ thì tính chất và quy mô nợ xấu sẽ thay đổi.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2010, các tập đoàn kinh tế nhà nước chi 10.128 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, dù đã thoái vốn, nhưng tỷ lệ này giảm rất ít, chỉ 2.830 tỷ đồng. Như vậy, hiện số vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Trong đó có những khoản đầu tư lớn, như: Tập đoàn Dầu khí sở hữu 52% cổ phần PVcomBank và 20% của Oceanbank, Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank, Tập đoàn Bảo Việt nắm lượng cổ phần chi phối tại BaoVietBank, Viettel năm 15% cổ phần của MB…

Về con số nợ xấu của riêng khối doanh nghiệp nhà nước, số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong một báo cáo công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy, đến cuối 2012, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (chưa tính Vinashin) chiếm 11,8% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và 5% dư nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Ước tính, nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2012, bao gồm các khoản của Vinashin sẽ vào khoảng 44.750 tỷ đồng.

Các khoản nợ xấu này cũng được đánh giá là rất khó giải quyết vìcác khoản nợ mà các doanh nghiệp Nhà nước vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn... Và nếu áp dụng một trong những biện pháp này để xử lý nợ xấu, khi xóa nợ xong, vốn điều lệ của các ngân hàng còn lại bao nhiêu?

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”