Ngân hàng Việt nhận giải thưởng “Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”

Ngày 24/3, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã chính thức trao giải thưởng “Ngân hàng Tài trợ Thương mại Tốt nhất khu vực Đông Á và Thái Bình Dương” trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) cho VIB.

Đây là giải thưởng uy tín nhằm vinh danh các ngân hàng có những đóng góp to lớn trong chương trình GTFP - chương trình giúp mở rộng và nâng cao năng lực tài trợ thương mại của các ngân hàng nội địa đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Giữa lúc Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia đánh giá, điều này sẽ tạo sức ép lớn lên hệ thống ngân hàng trong nước. Theo đó, bên cạnh vấn đề quy mô thì chất lượng quản trị và phương thức kinh doanh của các ngân hàng cũng phải thay đổi và nâng tầm để không bị lấn át bởi các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Đại diện NHNN chụp ảnh lưu nhiệm cùng Ban lãnh đạo VIB và IFC
Đại diện NHNN chụp ảnh lưu nhiệm cùng Ban lãnh đạo VIB và IFC

TS. Phan Hồng Mai, Viện Ngân hàng-Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy cơ hội tăng trưởng của hệ thống ngân hàng do quá trình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trở nên sôi động hơn… Bên cạnh đó là cơ hội tiếp cận công nghệ quản trị tiên tiến, vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao”.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TS. Trịnh Minh Anh, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế cho rằng, hội nhập đòi hỏi các NHTM phải có một nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, mà còn phải am hiểu Luật Thương mại quốc tế và được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo… Đây là một khó khăn lớn cho các NHTM Việt Nam.

Trên thực tế, không ít các ngân hàng Việt đã phải tự tái cơ cấu mạnh mẽ, bên cạnh mở rộng quy mô thì yếu tố tiên quyết của những ngân hàng này là nâng chất lượng phục vụ và tính an toàn để đảm bảo phát triển bên vững.

Riêng với VIB, đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này được các tổ chức quốc tế vinh danh. Mới đây nhất, hồi tháng 1/2016, VIB cũng đã được IFC nâng hạn mức tín dụng lên đến 120 triệu USD. Như vậy, kể từ lúc tham gia chương trình GTFP năm 2011, VIB đã bốn lần được IFC gia tăng hạn mức với hạn mức ban đầu chỉ là 15 triệu USD.

Tổng doanh số giải ngân cho VIB thông qua bảo lãnh của IFC trong năm 2015 đạt 161 triệu USD, tăng 130% so với năm trước đó, tổng mức phí dịch vụ tăng 34%.

“Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đánh giá cao chúng tôi ở sự năng động sáng tạo trong việc cung cấp các sản phẩm tài trợ thương mại, đặc biệt là các sản phẩm tài trợ thương mại đóng gói theo yêu cầu của từng doanh nghiệp cụ thể”, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

Bên cạnh đó, VIB đã kết nối hợp tác với hơn 630 ngân hàng trên thế giới để hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: dầu mỏ, kim loại, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tiếp cận các thị trường tiềm năng trên toàn cầu.

Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, toàn bộ hạn mức của IFC đã được VIB sử dụng để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, giúp các doanh nghiệp này tăng thị phần thương mại toàn cầu.

Ông Kyle Kelhofe cũng cho rằng, tăng cường thông thương là yếu tố quan trọng để giúp khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ và việc làm.

Ngoài IFC, VIB cũng hợp tác rất chặt chẽ với ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á) và FMO (Tổ chức tài chính phát triển Hà Lan) trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại (TFP). Năm 2015, VIB được ADB trao giải thưởng “Ngân hàng hàng đầu Việt Nam về Tài trợ thương mại cho Doanh nghiệp SMEs”.

Minh Anh