Ngân hàng Việt cạnh tranh chuyển đổi số, người dùng hưởng lợi
(Dân trí) - Cuộc chạy đua chuyển đổi số của ngành ngân hàng đang trong thời kỳ sôi nổi. "Thượng đế" của sự cạnh tranh này không ai khác chính là khách hàng, khi trải nghiệm người dùng đang là điều được ưu tiên hàng đầu.
Theo khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của McKinsey công bố vào tháng 9/2021, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển dịch vụ ngân hàng số nhanh nhất khu vực giai đoạn 2017-2021. Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng 41% và đạt 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.
Điều này cho thấy công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, bao hàm cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp.
Cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng trong cuộc đua chuyển đổi số
Đã qua rồi thời kỳ khái niệm chuyển đổi số chỉ giới hạn trong việc ứng dụng các công nghệ mới. Cuộc đua chuyển đổi số ngày nay đã mở rộng đến toàn bộ mô hình kinh doanh, chiến lược và văn hóa của ngân hàng.
Những năm gần đây, các ngân hàng trong nước đều tăng tốc đầu tư cho công nghệ số. Văn hóa "lấy sản phẩm làm trung tâm" đã chuyển đổi sang "lấy khách hàng làm trọng tâm", với đại diện tiêu biểu là Techcombank. Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số, giúp khách hàng giảm bớt các dịch vụ thực hiện trực tiếp tại quầy, mang đến trải nghiệm tiện lợi hơn mỗi ngày. Từ đó đến nay, ứng dụng di động đã trở thành một chuẩn mực mới trong ngành ngân hàng.
Song song với cuộc đua định vị thương hiệu trên nền tảng số đang thu hút những "người chơi mới", một trận so tài giữa những "anh lớn tiên phong" cũng đang ngầm diễn ra. Đó là sàn đấu nâng cao năng lực cốt lõi và nền tảng công nghệ để chuẩn bị trước cho sự đe dọa từ các công ty fintech và dịch vụ mobile money.
Vào tháng 9/2021, Techcombank đã lựa chọn Amazon Web Services (AWS) làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Đại diện ngân hàng cho biết, "cú bắt tay" dài hạn này sẽ là đòn bẩy cho Techcombank phát triển các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo mới và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu 10% và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.
Việc tăng cường hiệu quả triển khai đa kênh của các chi nhánh ngân hàng cũng cần được nhấn mạnh, nhằm đo lường mục tiêu tài chính và mức độ hài lòng của khách hàng. Các ngân hàng cũng được thôi thúc để tạo ra những sản phẩm số khác biệt để vươn lên trở thành kênh giao dịch chính trong thời đại 4.0.
Người dùng hưởng lợi
Với những bứt phá về công nghệ, các ứng dụng ngân hàng ngày nay không chỉ dừng lại ở một công cụ giao dịch online mà đã được nâng cấp trở thành một trợ lý quản lý tài chính - đầu tư thông minh và thân thiện. Trong khi các ngân hàng đang bứt tốc cạnh tranh, người được hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là khách hàng.
Các ngân hàng trực tuyến nay đã hoạt động suốt 24/7, không bị gián đoạn bởi ngày lễ và cuối tuần. Nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật định danh trực tuyến, khách hàng chỉ mất vài phút để thực hiện các giao dịch tài chính. Hiện tại, đã có hơn 35 ngân hàng tại Việt Nam cho thanh toán bằng mã QR, giúp người dùng rút ngắn thời gian và thao tác trong mỗi lần giao dịch.
Báo cáo "Retail Banking 2020" của hãng kiểm toán PwC chỉ ra rằng 40% khách hàng rời ngân hàng sau một trải nghiệm tồi tệ. Cũng bởi lý do đó, các ngân hàng tiên phong trong công nghệ số không ngừng đổi mới để tối đa hóa trải nghiệm của người dùng.
Như trong ứng dụng Techcombank Mobile mới, chức năng quản lý các tài khoản và thẻ đã thay đổi, tổng hợp trên cùng một giao diện giúp người dùng dễ dàng có cái nhìn tổng quan hơn. Mọi thay đổi thu - chi, đầu tư hay tiết kiệm cũng được thống kê bằng biểu đồ trực quan, đóng vai trò như một trợ lý cá nhân giúp người dùng quản lý tài chính tối ưu hơn.
Ngày nay, với nguồn thông tin đa chiều, người dùng ngày càng có xu hướng "chọn mặt gửi vàng" vào các ngân hàng lớn, uy tín và có giá trị thương hiệu cao để đảm bảo an toàn cho tài sản số của mình. Những cái tên dẫn đầu chuyển đổi số, có lợi thế cạnh tranh cao trên nền tảng công nghệ số hiện đại, cùng tiềm lực tài chính vững mạnh chính là lựa chọn đang được ưu tiên hàng đầu.