1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng vi phạm về huy động vốn bị phạt đến 1,6 tỷ đồng

(Dân trí) - Hành vi phát hành giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng để huy động vốn không đúng quy định của pháp luật bị mức phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng.

Đó là một trong những nội dung dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo nhằm thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP.

 

Dự thảo nêu rõ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm vi phạm các quy định về: Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành, kiểm toán; Cổ phần; Huy động vốn…
 
Ngân hàng vi phạm về huy động vốn bị phạt đến 1,6 tỷ đồng

 

Các hành vi vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, chưa kể phạt bổ sung bằng các hình thức như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính…

 

Dự thảo cũng đề xuất mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi không duy trì một trong các tỷ lệ đảm bảo an toàn: Tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có... Đồng thời, phạt tiền từ 1 - 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ (trong khi Nghị định 202 chỉ quy định phạt từ 5-12 triệu đồng).

 

Dự thảo đề xuất nâng phạt tiền từ 1 - 2 tỷ đồng đối với hành vi không thực hiện trích lập quy dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro đúng quy định của pháp luật hoặc không thực hiện thu hồi đối với khoản nợ đã dùng dự phòng rủi ro để bù đắp đúng quy định của pháp luật (quy định hiện hành là 12 triệu đồng).

 

Đối với vi phạm về phát hành giấy tờ có giá, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá không đúng các nội dung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

 

Còn đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài không đúng quy định của pháp luật dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ đối với hành vi vi phạm về lãi suất huy động, dự thảo quy định rõ: Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu có hành vi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn và mức phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 50- 100 triệu đồng.

 

An Hạ