Ngân hàng trước nguy cơ nợ xấu

“Hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đầu tư vào thị trường bất động sản (BĐS) số vốn gần 26.000 tỉ đồng (15%/tổng dư nợ cho vay), trong khi đó BĐS đóng băng nên sẽ khó khăn trong việc thu hồi khoản vốn này”. Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM cảnh báo.

Năm 2006 nợ xấu tăng mạnh?

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Toàn, Tổng Giám đốc NHTM Cổ phần Nam Á, nhận định: “Số vốn cho vay vào BĐS thực tế có thể lớn hơn nhiều so với số báo cáo”. Trước thời điểm thị trường BĐS rơi vào suy thoái, các dự án nhà đất thu siêu lợi nhuận, vì vậy nhiều NHTM “say mê” đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng do chính sách của Nhà nước về quản lý BĐS thay đổi nên hàng ngàn dự án, với diện tích hàng vạn héc ta đất rơi vào tình trạng “đóng băng”, sức mua giảm sút.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM, đến hết năm 2005 hệ thống NHTM và các công ty cho thuê tài chính trên địa bàn đã cho vay đạt 170.200 tỉ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 101.260 tỉ đồng, cho vay trung dài hạn 68.940 tỉ đồng. Mức tăng trưởng về vốn cho vay năm 2005 chỉ đạt 24,6%, trong khi năm 2004 là 30%, giảm 5,4%.

Trong năm 2005 tại TPHCM chỉ có 113 dự án, với diện tích 175 ha được triển khai, giảm 60% về số dự án và giảm 82% về diện tích so với năm trước đó. Hiện tại giá vàng đang tiếp tục tăng cao nên dự báo trong năm 2006 thị trường nhà đất vẫn tiếp tục “đóng băng” dày thêm.

Trước đây, chủ dự án BĐS thường ứng trước vốn của khách hàng trước khi tiến hành đầu tư xây dựng, nay Nhà nước không cho “mượn đầu heo nấu cháo” nữa nên các chủ dự án BĐS càng khó tìm nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Ngoài ra, năm vừa qua nhiều ngành nghề cũng làm ăn sa sút. Trong số đó các ngành như: sản xuất thép, xuất khẩu hạt điều, kinh doanh phân bón lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn.

Ông Trần Văn Vĩnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển TPHCM, cho biết: “Hiện có nhiều đại gia trong ngành thép đang làm ăn thua lỗ lớn nên sẽ gặp khó khăn cho vấn đề hoàn trả vốn cho ngân hàng. Vì vậy trong năm 2006 nợ xấu của ngân hàng có thể tăng mạnh”.

Vốn bị “chôn” hơn 50.000 tỉ đồng

Ước tính đến nay trên địa bàn TPHCM vốn bị “chôn” vào BĐS hơn 50.000 tỉ đồng, trong đó của các NHTM chiếm trên 50%. Ông Hoàng Văn Toàn lo lắng nói: “Trước tình hình thị trường BĐS suy thoái kéo dài, nếu nó không được “hâm nóng” thì các NHTM lại phải đứng trước nguy cơ tái bùng phát nợ xấu.

Do vốn cho vay vào BĐS hầu hết là trung, dài hạn, các doanh nghiệp được trả nợ trong nhiều năm, để có số nguồn vốn này nhiều ngân hàng phải lấy một phần vốn huy động ngắn hạn đầu tư cho BĐS. Nên nếu bị chuyển thành nợ xấu thì ngân hàng sẽ mất cân đối nguồn vốn. Bài học về nợ BĐS trong những năm trước còn ghi dấu ấn đậm cho nhiều ngân hàng.

Trong 5 năm qua các NHTM đã xử lý được 8.453 tỉ đồng nợ tồn đọng của thập kỷ trước để lại, làm cho hệ thống NHTM nhìn có vẻ trở nên “sạch” hơn trước.

Khó huy động vốn trung dài hạn

Hiện tại nhu cầu cho vay vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội rất lớn. Nhưng vốn huy động trung và dài hạn không nhiều. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM, đến hết năm 2005 trong tổng vốn huy động 184.600 tỉ đồng thì tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng chỉ có 37.844 tỉ đồng, chiếm 20,5%.

Do lạm phát tăng cao, kéo dài trong nhiều năm liền, khách hàng gửi tiền thường gửi ngắn hạn, làm cho tốc độ tăng tiền gửi trung dài hạn giảm dần. Nếu như trước đây loại tiền gửi kỳ hạn này tăng 31,6% (2004) thì hết năm qua chỉ còn tăng 18,1%.

Ông Trần Ngọc Minh nhận định: “Nếu tình hình lạm phát tiếp tục gia tăng thì sẽ khó khăn cho huy động vốn trung dài hạn”. Từ đó, sẽ ảnh hưởng lớn tới chiến lược đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế lâu dài.

Theo Trần Đại Dương
Báo Người lao động