1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng sẽ vẫn do dự trong cho vay

“Tôi cho rằng các ngân hàng sẽ vẫn chần chừ cho tới khi tình hình sáng sủa hơn. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa rõ vấn đề nợ xấu được xử lý thế nào. Phải có ai đó đứng ra gánh lấy trọng trách này”.

Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Mellor.
Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Mellor.
 
GDP sẽ khả dĩ hơn do có một số dấu hiệu đầu tư công có thể tăng trong các tháng cuối của năm 2012 nhưng cũng do đó mà Chính phủ cần thận trọng trước nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại. Cũng không nên nới lỏng các biện pháp tiền tệ quá nhanh vì nguyên nhân này. Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Mellor nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị mới đây.

 

Thưa ông, câu chuyện “nóng” nhất hiện nay của Việt Nam là dù lãi suất đã được hạ nhưng dòng tiền vẫn chưa đi vào nền kinh tế, không đến được với doanh nghiệp, vì sao vậy?

 

Với tình hình không ổn định của khu vực tài chính, các ngân hàng sẽ ngần ngại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, vì họ thấy rủi ro. Trong khi đó, chính các ngân hàng có thanh khoản tốt cũng do dự trong việc cho các ngân hàng yếu hơn vay, hoặc hạn chế cho vay ngoài giới hạn của mình. Tôi cho rằng các ngân hàng sẽ vẫn chần chừ cho tới khi tình hình sáng sủa hơn. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa rõ vấn đề nợ xấu được xử lý thế nào. Phải có ai đó đứng ra gánh lấy trọng trách này. Những người gửi tiền cần phải được bảo vệ. Người gánh trách nhiệm là các cổ đông của ngân hàng hay Chính phủ? Nếu Chính phủ chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu thì đó là cái giá của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Cho tới khi vấn đề này được giải quyết thì tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp.

 

Vậy mất bao lâu nữa thì các ngân hàng mới hết do dự?

 

Điều đó phụ thuộc vào việc Chính phủ quyết tâm giải quyết các khoản nợ xấu nhanh đến mức nào. Tháng 6 vừa qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bắt đầu công bố một số thông tin về khu vực tài chính như nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp… Đó là việc làm tích cực nhưng vẫn chưa rõ chi tiết là Chính phủ sẽ giải quyết nợ xấu như thế nào.

 

Tôi nghĩ Chính phủ cần phải cố gắng bởi đó là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. ADB cũng khuyến khích Chính phủ hành động nhanh nhưng hiện giờ lộ trình và chi tiết của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ vẫn chưa rõ ràng.

 

Nhưng Chính phủ đã có những hành động nhất định để xử lý vấn đề nợ xấu cũng như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?

 

Đúng là Chính phủ đã có nỗ lực từ hồi đầu năm. Thứ nhất là phân loại ngân hàng ra các nhóm ngân hàng mạnh và yếu, và chủ động hỗ trợ các ngân hàng về mặt thanh khoản. Sau đó hợp nhất các ngân hàng yếu và yêu cầu tái cấu trúc.

 

Tuy nhiên, đó là những bước đi đầu tiên và những bước đi này không giúp giải quyết tận gốc các vấn đề. Bởi một cách tự động, những ngân hàng lớn hơn vẫn có các khoản nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng con hợp thành. Cho nên điều thực sự cần làm là phải tái cấu trúc các ngân hàng yếu này.

 

Làm sao để tái cấu trúc các ngân hàng yếu?

 

NHNN chủ yếu là xử lý các vấn đề của các ngân hàng yếu thông qua hợp nhất nhưng vẫn chưa quyết liệt trong việc đóng cửa các ngân hàng có khả năng vỡ nợ. Hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng có khả năng vỡ nợ cần đi kèm với các điều kiện, kể cả việc chủ sở hữu phải chịu các chi phí ban đầu.

 

Ngoài ra, hệ thống quản lý giám sát cần được củng cố và hoạt động tốt hơn. Tính đến tháng 4/2012, tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống ngân hàng là 14,6%, cao hơn nhiều so với mức 9% mà NHNN quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tăng, rủi ro trong bảng cân đối tài sản của một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có khả năng không có lợi nhuận và những ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay nhiều, đã đặt ra câu hỏi về tính an toàn vốn không chỉ đối với các ngân hàng nhỏ.

 

Thêm nữa, để giảm thiểu rủi ro cần phải có những quy định về an toàn, như phân loại khoản vay và trích quỹ dự phòng rủi ro, tuân thủ chuẩn mực của các thông lệ quốc tế. Để đảm bảo thực thi tốt hơn các quy định trên, việc tăng năng lực của cơ quan giám sát cũng là một yêu cầu đặt ra.

 

Rủi ro chính ở đây là chi phí do việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đem lại, theo thông lệ quốc tế, là rất cao. Vì vậy tôi cho rằng thời điểm này Chính phủ nên cố gắng tính toán quy mô của vấn đề và đưa ra giải pháp thích hợp.

 

Ông có nhận định gì về tình hình hiện nay, doanh nghiệp khó vay vốn, người lao động thất nghiệp, tồn kho cao, tiêu dùng thấp. Nó giống như một vòng luẩn quẩn? Có giải pháp nào không?

 

Mối quan ngại chính khi kinh tế suy thoái là tác động đến người lao động. Tôi cho rằng điều Chính phủ cần làm trước mắt là cố gắng hỗ trợ người lao động, ví dụ như xem xét trợ cấp xã hội. Về lâu dài, Chính phủ cần có các hỗ trợ xã hội đa dạng để giúp người lao động có “tấm nệm” đỡ khi bị tác động tiêu cực do kinh tế tăng trưởng thấp.

 

Về trung hạn, cách duy nhất Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân chính là tái cấu trúc DNNN, để tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng. Điều này Chính phủ đã biết phải làm gì và cũng nhắc đến nhiều lần.

 

Thế nhưng với nguồn lực bị hạn chế của Chính phủ thì không thể làm tất cả cùng một lúc, mà phải làm từng bước và chắc chắn. Chính phủ không thể lơ là mục tiêu tái cấu trúc DNNN khi giải quyết các thách thức khác của nền kinh tế như lạm phát…

 

Tôi cho rằng việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó vay vốn ngân hàng còn do các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế. Các ngân hàng muốn cho các DNNN vay hơn vì có hỗ trợ từ Chính phủ.

 

Cho nên, Chính phủ cần có một thời gian biểu hiện thực cho tiến trình cải cách DNNN. Nếu nói sẽ giải quyết được tất cả trong vòng một năm thì mọi người đều không tin. Có thể đưa ra kế hoạch cải cách 2 – 3 DNNN trong một năm, hoặc chương trình 15 năm. Như thế để thị trường có thể thấy rõ lộ trình của Chính phủ, thấy quyết tâm của Chính phủ. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin của thị trường và tôi nghĩ một phần nguyên nhân khiến GDP suy giảm là do một số thành phần của thị trường lo ngại về cơ cấu của nền kinh tế.

 

Đấy là dài hạn, còn giải pháp trước mắt là gì?

 

Tôi cho rằng điều Chính phủ nên làm là đánh giá lại tác động của các biện pháp đã thực hiện trong ba năm qua.

 

Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như là cắt giảm thuế, giảm lãi suất, chi tiêu công nhiều hơn…Nhưng gói kích thích hồi năm 2009 đã có hiệu quả như thế nào? DNNN hay doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi nhiều nhất? Những ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất, nông nghiệp hay công nghiệp?

 

Nói cách khác, chúng ta cần phải nhìn lại quá khứ, đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp khác nhau, mức độ ảnh hưởng tới đâu? Nhờ đó chúng ta mới tiến lên phía trước, khi cần thiết kế các gói kích thích hay quyết định hạ lãi suất…

 

Theo Việt Anh

SGTT