Ngân hàng: Sẽ có những “đám cưới” ngay trong quý I/2015?

(Dân trí) - Thị trường dấy lên thông tin Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập nhằm sớm niêm yết trên sàn chứng khoán. Thông tin cho hay, đối tượng thâu tóm của NamABank là một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội.

Xử lý ngân hàng yếu kém, thậm chí buộc phá sản

Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2015 sẽ là năm của hoạt động mua bán sáp nhập ngân hàng. Bởi đây là năm cuối trong lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, để đến cuối năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ hơn 30 xuống còn 15 - 17 ngân hàng.

Mới đây, ngày 3/1, Chính phủ đã có Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2015, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan, bộ ngành tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật.

Đẩy mạnh sáp nhập để ngân hàng Việt lớn mạnh hơn.
Đẩy mạnh sáp nhập để ngân hàng Việt lớn mạnh hơn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, đến nay, về cơ bản NHNN đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.

Vậy nên, trong năm 2015 này, NHNN sẽ “tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật; trong đó sẽ nâng cao vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại Nhà nước thông qua việc các ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng. Ngược lại, với những tổ chức tín dụng yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, NHNN cũng kiên quyết xử lý pháp nhân theo quy định của pháp luật, kể cả áp dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực trong việc thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, kể từ sau thương vụ hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thành PVcomBank vào nửa đầu tháng 9/2013, cả năm 2014 không có thêm vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nào.

Những ngày đầu năm 2015 này, thị trường dấy lên thông tin Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập vào ngân hàng này (bên Nam Á là đơn vị nhận sáp nhập) để sớm niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin. Thông tin cho hay, đối tượng thâu tóm của NamABank là một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội.

Trước đó, cuối năm 2014, Vietcombank đã phát đi thông tin sẽ sáp nhập một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng được xác định là Saigonbank. Ngoài ra, BIDV và Vietinbank cũng sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu này bằng cách nhận một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng của BIDV sẽ sáp nhập một ngân hàng phía Nam, đối tượng được xác định là ngân hàng nhà nước. Còn Vietinbank được xác nhận là sẽ nhận PGBank.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Đối với ngân hàng còn lại, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý và hiện đang triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến nay, toàn hệ thống đã giảm 7 tổ chức tín dụng, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động”, phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho hay.

Và điều quan trọng, theo ông Thanh, các tổ chức tín dụng đã quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới, đồng thời từng bước cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với rủi ro. Đến 30/11/2014, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 435,29 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2013, tăng 23% so với cuối năm 2011.

GP.Bank rút khỏi phương án “gả bán” cho ngân hàng ngoại?

Đã có những cái “bắt tay” thật chặt giữa ngân hàng nội với ngân hàng ngoại trong thời gian qua. Tuy nhiên, những cái “bắt tay” ấy cũng chóng tan khi một loạt nhà băng ngoại thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam.

Đơn cử như việc Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) rút vốn khỏi MeKong Bank và chuyển nhượng lại phần vốn cho MaritimeBank. Hay như việc ANZ rút gần 10% vốn khỏi Sacombank và chuyển nhượng lại cho Eximbank trước khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn đầu năm 2012. Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) - đối tác chiến lược nước ngoài của VPBank - cũng đã rút vốn khỏi nhà băng này kể từ cuối năm 2013.

Còn với trường hợp Ngân hàng TMCP Dầu khí (GP.Bank), câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng này được xác định từ cuối năm 2011 theo hướng sẽ bán 100% vốn cho ngân hàng nước ngoài là UOB. Nếu thành công, đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, 1 tổ chức tín dụng nội địa được bán toàn bộ cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, sau 3 năm lựa chọn phương án này, không có thêm bất kỳ thông tin mới chính thức nào được thông tin ra thị trường.

Vào thời điểm bắt đầu thực hiện bán cho UOB, điểm khó đi đến thống nhất đó là giá bán. Mức giá nào là hợp lý cho cả hai đã khó đi đến thống nhất. Bên bán thì muốn giá cao, bên mua thì muốn giá thấp. Hơn nữa, khi UOB mua GP.Bank với kỳ vọng sẽ là ngân hàng con tại Việt Nam chứ không phải là chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Có lẽ, đây chính là hai lý do khiến thương vụ này không đi đến hồi kết.

Trong kế hoạch tái cơ cấu, ngân hàng GP.Bank sẽ bắt buộc sáp nhập với một nhà băng lớn để hồi phục và phát triển lại. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, có thể phương án “bán mình” cho ngân hàng ngoại của GP.Bank khó thành hiện thực, thay vào đó, GP.Bank sẽ tìm nơi “trao thân” là một ngân hàng nội.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, phương án dùng những ngân hàng nội lớn, có tiềm lực mạnh để vựa dậy ngân hàng yếu kém của NHNN là phương án tốt trong thời điểm hiện nay. Do đó, hướng sáp nhập, hợp nhất để làm lớn mạnh ngân hàng nội sẽ được ngành ngân hàng ưu tiên hơn.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”