1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng nội khó niêm yết ở sàn ngoại

Cả hai ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam là Sacombank và ACB đã lên sàn chứng khoán trong nước, nhưng để ra biển lớn, niêm yết ở sàn ngoại là một hành trình khó khăn.

Cách đây một tháng, thị trường rộ lên thông tin Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang chuẩn bị kế hoạch niêm yết tại thị trường Singapore. Một kế hoạch tương tự cũng đã có trong câu hỏi của nhà đầu tư gửi đến Ngân hàng Á châu (ACB).

 

Về thông tin này, phía Sacombank từ chối đưa ra bình luận khi trao đổi với báo chí. Còn với ACB, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, cho rằng đây là một vấn đề lớn, khó khăn và cần phải cân nhắc; hiện tại ACB chưa thể có câu trả lời cụ thể.

 

Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch ACB, thì cho rằng việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường nước ngoài hiện nay còn vấp phải nhiều vấn đề, liên quan đến chi phí và đặc biệt là những quy định hiện hành. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội bị khống chế ở mức 30%. Với ACB, tỷ lệ này đã lấp đầy, theo đó, nếu niêm yết ở nước ngoài thì không còn hàng để bán.

 

Tất nhiên, một câu nói vui của ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, với báo giới là trong những trường hợp như thế chỉ có thể bán cho… những người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài. Trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank hay ACB bán lại phần họ đang nắm giữ cũng khó xẩy ra.

 

Ông Dominic Scriven cũng cho rằng những quy định về pháp lý là rào cản lớn nhất cho những cổ phiếu ngân hàng muốn hướng ngoại hiện nay. Ngoài quy định về tỷ lệ sở hữu trên, Luật chứng khoán cũng quy định là doanh nghiệp chỉ được phát hành bằng đồng Việt Nam, một hạn chế rất lớn khi huy động tại thị trường nước ngoài.

 

Mặt khác, khó khăn pháp lý còn mang tính quốc tế. Chỉ riêng yêu cầu về báo cáo tài chính, kiểm toán quốc tế cũng đã là một khó khăn; rồi những đòi hỏi về tiêu chuẩn quản trị, minh bạch tài chính, chế độ công bố thông tin; rồi những vấn đề liên quan đến chênh lệch mặt bằng giá trị doanh nghiệp trong và ngoài nước…

 

“Tóm lại, theo ý kiến cá nhân tôi, việc tổ chức niêm yết ở thị trường nước ngoài thời điểm này là chưa phù hợp”, ông Dominic nói.

 

Trong trường hợp các ngân hàng lên kế hoạch đi theo con đường này, theo ông Dominic, trước hết là phải trả lời một cách rốt ráo những câu hỏi liên quan đến mục đích niêm yết, vì nhu cầu huy động vốn, vì uy tín hay vì tiếp cận những mô hình quản trị hiệu quả?

 

Thứ hai, kế hoạch niêm yết đó có khả thi, hiệu quả với những vướng mắc nói trên?

 

Ông Dominic nhận định: “Tất nhiên, nếu niêm yết ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp nói chung sẽ tiếp cận được những nguồn vốn thuận lợi; có điều kiện để khẳng định, nâng cao uy tín của mình; có điều kiện để tiếp cận những mô hình quản trị hiệu quả. Nhưng, bất lợi lại có vẻ nhiều hơn”.

 

Đó là khi niêm yết ở thị trường nước ngoài, “vô tình” một phần của thị trường vốn trong nước bị “chảy máu”, cả về tiền, về các đầu mối dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh, môi giới… Trong khi đó, các công ty chứng khoán trong nước lại rất cần những nguồn hàng này để hoạt động.

 

Niêm yết ở thị trường nước ngoài đang là một xu hướng được đặt ra trước cửa hội nhập, nhưng đó là một xu hướng của dài hạn.

 

Theo T.M.Đức

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm