Ngân hàng nhóm 4: “Không phải tôi”?

Phản ứng đầu tiên của dư luận là việc định hình các nhóm, đặc biệt là các thành viên nhóm 4 (không được tăng trưởng tín dụng). Còn trong hệ thống, “không phải tôi” có thể là phản ứng khi thông tin ra thị trường.

Phía sau việc phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngoài mục đích giám sát an toàn hệ thống, tạo thêm cơ sở để thúc đẩy tái cấu trúc, còn là một giải pháp bình định lãi suất đầu vào trước khi tính chuyện giảm được lãi suất cho vay rõ ràng hơn.

 

Các thông tin về chủ trương phân nhóm nói trên đã được công bố. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức họp báo cụ thể. Tuy nhiên, một thông tin quan trọng đã không được công khai là danh sách các nhóm cụ thể.
 
Ngân hàng nhóm 4: “Không phải tôi”? - 1
Một tác động khác phía sau chính sách phân nhóm là góp phần bình định được lãi suất đầu vào.

 

Thử tìm ẩn số

 

Phản ứng đầu tiên của dư luận là việc định hình các nhóm, đặc biệt là các thành viên nhóm 4 (không được tăng trưởng tín dụng). Còn trong hệ thống, “không phải tôi” có thể là phản ứng khi thông tin ra thị trường, hay có thể bắt gặp trong câu trả lời của giao dịch viên với khách hàng, bởi đây giống như một “chứng chỉ” vậy…

 

Ngân hàng Nhà nước đã quyết không công bố thì đành chịu. Cái chính là ở thị trường Việt Nam, tính minh bạch bị hạn chế mới dẫn tới sự lấp lửng này. Nếu tất cả các ngân hàng thương mại đều công khai báo cáo tài chính năm 2011 kịp thời, hoặc phải cập nhật tình hình hoạt động như quy định đối với các thành viên đã niêm yết (hoặc chưa niêm yết nhưng có tính chủ động cao) thì vấn đề lại khá đơn giản. Vì các tiêu chí phân nhóm cơ bản đã được Ngân hàng Nhà nước gợi mở.

 

Vậy thì bước đầu có thể định hình một cách tương đối về các thành viên nhóm 4. Cần định hình nhóm này để có thể ước lượng sự tác động của chính sách đối với khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2012 nói riêng và với thị trường nói chung.

 

Thử làm một phép tính tương đối để tham khảo, dĩ nhiên là có sai số bởi dữ liệu đầu vào không công bố. Một biến số khác cũng cần tính tới là có hay không trường hợp của Agribank, bởi đây là một thành viên có quy mô tín dụng lớn. Song cũng không quá quan trọng, bởi tăng trưởng tín dụng thực tế của Agribank thấp, trong khi đây là nhà băng có cơ chế riêng với nhiệm vụ tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là về nông nghiệp - nông thôn.

 

Loại trừ biến số trên, theo gợi ý của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến với “mươi” thành viên của nhóm 4 và trên cơ sở tổng hợp thông tin hoạt động của các thành viên trong hệ thống, người viết ước tính tổng dư nợ của nhóm này vào cuối năm 2011 có thể tối đa ở khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tối đa khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống (khoảng 2,5 triệu tỷ đồng - được tính toán trên cơ sở số liệu và tỷ trọng của tín dụng bất động sản công bố gần đây).

 

Nếu vậy, giới hạn nguồn tín dụng tăng thêm bị “cắt” đi ở nhóm 4 không phải là quá lớn, đặt trong trường hợp tăng trưởng tín dụng năm nay của cả hệ thống tăng hết 17% chỉ tiêu định hướng. Song, tác động của chính sách này lại rất lớn.

 

Bình định lãi suất đầu vào

 

Như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nói, triển khai việc phân nhóm là một trong những biện pháp để tăng cường giám sát an toàn hệ thống. Nhóm 4 là các ngân hàng yếu kém và có nguy cơ đổ vỡ, nếu tăng thêm tín dụng càng khiến tình hình thêm phức tạp.

 

Không được tăng tín dụng, trọng tâm còn lại của họ là xử lý nợ, thu hồi vốn, chọn lọc để cho vay và nâng cao chất lượng tín dụng. Nói chung là củng cố lại hoạt động. Mục đích của chính sách theo đó cũng là để góp phần củng cố lại hệ thống; hoặc có thể xem đó là một bước đi tiền trạm cho những kế hoạch sáp nhập, hợp nhất trong thời gian tới.

 

Một tác động khác phía sau chính sách phân nhóm là góp phần bình định được lãi suất đầu vào. Lâu nay nhiều phân tích, nhìn nhận vẫn đặt “gốc” của những xáo trộn trên thị trường ở những ngân hàng yếu kém. Những trường hợp khó khăn thanh khoản, khó cạnh tranh huy động vốn… đã tạo những mũi nhọn chọc thủng trần lãi suất, tạo hiệu ứng những cuộc đua bất ổn.

 

Nay, khi không được tăng tín dụng, phải tập trung thu hồi vốn và cơ cấu lại nợ, thu hồi được bao nhiêu thì mới có thể cho vay bấy nhiêu, tự thân áp lực huy động vốn để cho vay mới sẽ giảm bớt. Cạnh tranh huy động vốn qua lãi suất trên thị trường theo đó có thêm điều kiện để bớt căng thẳng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát và hỗ trợ những trường hợp khó khăn thanh khoản, với định hướng nắn vào lộ trình tái cấu trúc hệ thống, sự bình định được lãi suất đầu vào là có cơ sở để hy vọng.

 

Trên thị trường, căng thẳng lãi suất đầu vào cũng đang dịu bớt. Theo cập nhật của nhiều công ty chứng khoán ở các bản tin hỗ trợ nhà đầu tư trong ngày 14 và 15/2, hiện tượng vượt trần đã có chuyển biến khi lãi suất “đàm phán” với khách VIP liên tục giảm thời gian gần đây (?).

 

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch cũng đã giảm khá nhanh và mạnh. Các kỳ hạn ngắn phổ biến xuống dưới 14%/năm, thậm chí chỉ từ 12% - 13%/năm. Như trong ngày 13/2 vừa qua, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn qua đêm thậm chí chỉ còn 11,92%/năm, 3 tháng chỉ 9,69%/năm, 1 và 2 tuần chỉ 13,08% và 12,59%/năm…

 

Trên thị trường trái phiếu, năng lực vốn của các ngân hàng thương mại tiếp tục tạo nên những phiên đấu thầu thành công. Các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô 4.000 - 5.000 tỷ đồng những ngày gần đây đều được vét sạch, lãi suất trúng thầu tiếp tục có xu hướng giảm.

 

Dù chưa rõ ràng, song những diễn biến đó cùng với khả năng bình định được lãi suất đầu vào qua cơ chế phân nhóm tăng tín dụng sẽ tạo điều kiện để hướng tới giảm lãi suất cho vay một cách mở rộng hơn.

 

Tuy nhiên, liên quan đến cơ chế phân nhóm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, những ngân hàng tốt nhất cũng chỉ được giới hạn tối đa 17% trong năm nay sẽ khó tạo động lực cho họ thực sự vào cuộc giảm lãi suất cho vay.

 

Theo Minh Đức
VnEconomy