Ngân hàng Nhà nước hút ròng 90.000 tỷ đồng
(Dân trí) - USD-Index hiện ở vùng giá cao nhất từ tháng 11 năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 90.000 tỷ đồng trong 6 phiên liên tiếp, nhằm giảm bớt áp lực lên VND trong bối cảnh USD sốt nóng.
USD tăng giá
USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn trên thế giới - hiện đạt 106,25 điểm - vùng giá cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Mức đỉnh của chỉ số này từng ghi nhận là 112,2 điểm và tháng 9 năm ngoái.
Đồng bạc xanh ngày càng mạnh lên so với rổ tiền tệ lớn, sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4,56% hôm thứ 4 vừa rồi và chưa có dấu hiệu xuống giá. Số liệu về lợi suất này thường được dùng làm tham chiếu cho lãi suất cho vay trên khắp thế giới.
Việc này diễn ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức cao nhất 22 năm như dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, các quan chức của Fed sau đó lại cho biết việc thắt chặt chính sách mạnh hơn "chắc chắn là điều không thể tránh khỏi". Việc này sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát về 2%.
Từ đầu tuần, giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục tăng, có thời điểm giá ngân hàng tăng mạnh lên 24.600 đồng/USD, cao hơn khoảng 3,7% so với đầu năm và chỉ còn cách đỉnh cũ hồi cuối năm 2022 khoảng 1,1%. Năm ngoái, tỷ giá bất ngờ tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%.
Nhà điều hành tiền tệ cũng liên tục tăng tỷ giá trung tâm thời gian gần đây. Tỷ giá trung tâm hiện được niêm yết ở mức 24.089 đồng/USD, tăng 23 đồng sau một tuần. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng giá từ 22.886 đồng đến 25.595 đồng.
Ngân hàng Nhà nước hút về 90.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái mạnh tay trước diễn biến sốt nóng của đồng bạc xanh.
Theo kết quả chào bán tín phiếu được công bố, trong phiên 28/9, cơ quan này tiếp tục hút về gần 20.000 tỷ đồng thông qua hoạt động đấu thầu tín phiếu. Ngân hàng trúng thầu sẽ nộp tiền mua tín phiếu cho Ngân hàng Nhà nước và hết kỳ hạn tín phiếu, được trả lãi tương tự gửi tiết kiệm.
Đây là phiên thứ 6 liên tiếp nhà điều hành chào thầu tín phiếu, nâng số tiền hút khỏi thị trường liên ngân hàng lên 90.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán những phiên gần đây sụt giảm sau động thái hút tiền của nhà điều hành tiền tệ. Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán nhận định nguyên nhân do nhà đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt.
Tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở và tổng khối lượng phát hành lên đến gần 660.000 tỷ đồng, trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất điều hành vào tháng 9/2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Chứng khoán SSI cho rằng đây là hoạt động thường thấy nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống. Bối cảnh hiện tại cũng đã có nhiều sự khác biệt.
Năm ngoái, phát hành tín phiếu là đấu thầu theo khối lượng (và sau đó mới chuyển thành đấu thầu lãi suất). Trong khi đó, đấu thầu lãi suất được sử dụng trong 6 ngày vừa qua. Lãi suất phát hành gần như tương đương giai đoạn năm ngoái, tuy nhiên bản chất lại tương đối khác nhau.
Cụ thể, trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng chạm mức trần hạn mức từ giữa năm thì năm 2023 vấn đề tín dụng tăng chậm là do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng tín dụng tại ngày 20/9 chỉ ở mức 5,73% so với đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023, thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022. Về tỷ giá, khác với năm ngoái, mức độ biến động tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen cho thấy chênh lệch cung - cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường ngân hàng. Điều này nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hiện giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do được giao dịch ở 24.370-24.450 đồng/USD, thấp hơn ngân hàng khoảng 100-150 đồng/USD.
Nhà điều hành tìm cách hạ nhiệt tỷ giá?
Giới chuyên gia cũng đánh giá việc hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND - USD, do vậy giảm bớt áp lực của tỷ giá, giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa điều hành trong trung hạn.
Mục đích của việc này là hút bớt thanh khoản thị trường 2 (liên ngân hàng) để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022), nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức).
Ngoài ra, nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.
Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85-90% giá trị giao dịch) là 0,16%, chênh lệch gần như không đổi so với trước khi Ngân hàng Nhà nước gọi thầu tín phiếu, tức thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang dồi dào.
Các chuyên gia đến từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá hành động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với áp lực tỷ giá.
Đơn vị này giữ quan điểm tỷ giá đang kiểm định lại vùng 24.500 đồng/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023.
Nhóm phân tích của VDSC dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Nhóm phân tích từ chứng khoán SSI cũng cho rằng có thể có dư địa để phát hành thêm khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương vào khoảng 6-7 phiên giao dịch nữa.