Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một loạt quyết định mới về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng.
Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2019 đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quyết định về mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước; lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tại Quyết định số 2497 về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Như vậy, so với mức 1,2%/năm theo Quyết định 1716 năm 2005, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND áp dụng theo quy định mới đã giảm tới 0,4%.
Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 2498 về mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm.
Ngoài ra, Quyết định số 2499 quy định mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,8%/năm.
Ở một diễn biến liên qua, tại tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 diễn ra chiều 2/12, trả lời phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong hoạt động ngân hàng, một yêu cầu quan trọng đối với các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ rất quan trọng.
Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang có tỷ lệ an toàn vốn rất sát ngưỡng so với quy định của Thông tư số 41 cũng như ngưỡng tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn Basel 2.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong trường hợp không được tăng vốn thì bản thân các ngân hàng thương mại này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí có thể sẽ phải dừng cấp tín dụng. Từ đó sẽ rất ảnh hưởng tới nhu cầu vốn đầu tư phát triển, nhất là bối cảnh Việt Nam hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng.
Chính vì tính cấp thiết như vậy, vừa qua, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Quốc hội, đồng thời Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước cũng đã thừa uỷ quyền Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý đối với quá trình tăng vốn này.
“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Chính trị”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm.
An Hạ