1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng ngoại và chiến lược “sói gửi chân”

(Dân trí) - 10 ngân hàng ngoại trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng TMCP Việt Nam và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa được cấp phép; theo cách nhìn của giới chuyên gia, đây chính là chiến lược “sói gửi chân” của các nhà đầu tư ngoại.

Ngày 11/9, Hội thảo Đổi mới và phát triển ngân hàng Việt Nam (VN) trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (do Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Văn phòng UBQG hợp tác kinh tế quốc tế và Công ty Thanh niên Việt Nam tổ chức) đã phác thảo khá rõ nét về hệ thống ngân hàng VN trong 2 năm qua.

Ngân hàng nội ở thế yếu

Các chuyên gia dự báo, con số ngân hàng VN chọn ngân hàng ngoại làm đối tác chiến lược trong tương lai sẽ nhiều hơn và thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến thêm sự ra đời của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank) cho rằng: Việc gia nhập thị trường VN của ngân hàng ngoại hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận và theo phương châm “sói gửi chân”. Các ngân hàng ngoại sẽ dần tiến sâu vào thị trường bằng cách nâng tối đa phần sở hữu tại các ngân hàng TMCP và lập ngân hàng con 100% vốn của họ.

“Từ này đến năm 2010, VN sẽ có thêm khoảng 5 ngân hàng nội có cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo thời gian, các ngân hàng nước ngoài sẽ dần dần đứng vững và chiếm thị phần lớn tại VN. Lợi thế này của ngân hàng nước ngoài sẽ đẩy các ngân hàng thương mại VN vào tình thế phải bị mất thị phần và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt”, ông Sơn dự đoán.

VN đang bước vào một sân chơi lớn, ở đó, hàng hóa các bên được tự do trao đổi trên thị trường. Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng nội phải chấp nhận thực tế nhiều ngân hàng ngoại sẽ hiện diện tại VN và cung cấp cho người dân nhiều sản phẩm, dịch vụ tương tự sản phẩm họ cung cấp cho khách hàng toàn thế giới. Nhìn một cách thẳng thắn, ngân hàng VN đang ở thế yếu so với ngân hàng nước ngoài.

Trong khi các ngân hàng nội chưa chú trọng đến phát triển thị trường bán lẻ thì các ngân hàng ngoại như HSBC, ANZ… đã mở rộng khai thác thị trường giàu tiềm năng này, với những kinh nghiệm và các tiện ích hiện đại.

Số liệu do Ngân hàng nhà nước VN cung cấp đã cho thấy một sự khập khiễng đáng lo ngại: Hiện các ngân hàng ngoại có thể cung cấp khoảng 1.000 dịch vụ khác nhau cho khách hàng nhưng ngân hàng nội chỉ cung cấp chưa đến 100 dịch vụ.

“So với ngân hàng ngoại, các ngân hàng nội có thế mạnh là sự am hiểu địa phương, am hiểu tâm lý, văn hóa bản địa, có lượng khách hàng truyền thống… nhưng khi họ dần đứng vững, các ngân hàng nội sẽ bị mất dần thị phần và khách hàng vì bản thân thế mạnh của các ngân hàng là không bền vững”, ông Sơn thừa nhận.

Còn theo ThS.Lê Thị Huyền Diệu, đại diện của Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong bối cảnh hội nhập này, hệ thống ngân hàng VN càng bộc lỗ rõ những điểm bất cập, với năng lực tài chính còn non yếu.

Chất lượng dịch vụ do các ngân hàng cung cấp chưa cao, các sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn và đơn điệu, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống mà chưa thực sự căn cứ vào nhu cầu của khách hàng.

Do đó, với sự vượt trội về công nghệ, trình độ quản lý, chất lượng và sự đa dạng của hệ thống sản phẩm, các ngân hàng ngoại sẽ hút được khách hàng quốc tế sang du lịch và kinh doanh tại VN. Và các ngân hàng nội sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh về quy mô, khách hàng và hệ thống kênh phân phối khi VN buộc phải nới lỏng các hạn chế về tiếp cận thị trường dịch vụ ngân hàng.

Khó tránh kịch bản mua bán - sáp nhập

Thừa nhận về tiến trình tự do hóa khu vực tài chính diễn ra một cách nhanh chóng sau 2 năm gia nhập WTO, nhưng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, hệ thống ngân hàng VN còn nhiều bất cập trong chính sách tín dụng, tỷ giá, ngoại hối ở cả vai trò quản lý nhà nước và tác nghiệp của các ngân hàng thương mại.

“Do đó, khi nền kinh tế có vấn đề như lạm phát từ cuối năm 2007 đến nay, cả hệ thống tỏ ra lúng túng”, TS. Kiêm nhấn mạnh. Các ngân hàng đặc biệt yếu ở hệ thống dịch vụ và công cụ mới. Điển hình là hệ thống thanh toán vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, dịch vụ tiện ích mang tính tự phát, chưa có sự liên kết trong toàn hệ thống.

Đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói: Phải thẳng thắn nhìn nhận, năng lực tài chính của các ngân hàng VN hiện rất thấp, sức cạnh tranh chưa cao.

Hơn nữa quy mô vốn tự có của các ngân hàng thương mại còn quá nhỏ, khả năng tích lũy từ nội bộ không cao. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát toàn bộ thị trường tiền tệ, phát hiện cảnh báo sớm… của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn hạn chế.

Bởi thế, theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, đổi mới hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc cấp bách phải làm ngay. Trong hơn 37 ngân hàng TMCP, chỉ có một số ít ngân hàng có vốn trên 200 triệu USD hoặc trang bị hệ thống ngân hàng cốt lõi (core banking).

“Vốn tự có thấp, khả năng tích lũy từ nội bộ rất nhỏ, thì việc chống đỡ với những hiện tượng đột biến rút tiền gửi, thiếu hụt thanh khoản của hệ thống ngân hàng là rất yếu. Và một kịch bản khó tránh khỏi đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ là mua bán hoặc sáp nhập”.

Nguyễn Hiền